Trong Báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015”, Ủy ban Kinh tế cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-An Giang, Việt Nam đã và đang chuẩn bị gia nhập nhiều cộng đồng kinh tế quan trọng, mang nhiều lợi ích to lớn về kinh tế. Tuy nhiên, các năm gần đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp luôn giảm sút về kim ngạch xuất khẩu và luôn gặp khó khăn về việc mở rộng thị trường. Giá sản phẩm của Việt Nam so với các nước trên thế giới ngày càng chênh lệch.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-An Giang Ảnh: Văn Bình
Đại biểu nhận định, nếu nước ta không chuẩn bị các điều kiện ứng phó thì hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là gánh nặng, đe dọa, thách thức to lớn. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách tích cực để hỗ trợ nông dân tiếp cận thuận lợi vốn vay, kỹ thuật, thông tin thị trường. Có chính sách dài hơi mang tính chiến lược, giúp người nông dân thích ứng với thời kỳ hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng hiện nay.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách còn bất cập, thiếu hiệu quả nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần huy động tốt nhất các thành phần kinh tế tham gia phát triển đội ngũ doanh nghiệp nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc-Quảng Ngãi cũng cho rằng, trong thời gian tới, nhiều Hiệp định thương mại tự do của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ được ký kết và có hiệu lực, từ đó mở ra triển vọng lớn về kinh tế. Tuy nhiên, có thể một số sản phẩm nông nghiệp như mía, đường, đậu, ngô… sẽ không có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng đời sống của người nông sẽ càng gặp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc-Quảng Ngãi
Vì vậy, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung giải quyết các vướng mắc về công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất, xác định rõ những lợi thế, thế mạnh các sản phẩm của từng vùng, địa phương, của quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách có hiệu quả và bền vững.
Đại biểu đề nghị, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách hợp lý và lâu dài để tiêu thụ nông sản, phát triển hệ thống thu mua, phân phối phù hợp. Khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá nhưng người tiêu dùng lại phải mua với giá cao.
Các đại biểu cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần có chính sách khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Theo đại biểu Lê Thị Công-Bà Rịa-Vũng Tàu, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chú trọng hơn nữa trong việc phát triển thị trường, hệ thống thương mại trong nước, từ thu, mua, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh để tình trạng tư thương, công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn-Hòa Bình thì đề nghị Chính phủ cấn có kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương (giai đoạn 2016-2020) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp, chính sách ưu tiên tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đại biểu Trần Dương Tuấn-Bến Tre
Theo đại biểu Trần Dương Tuấn-Bến Tre, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là nhiệm vụ trọng trách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà còn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cho thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn và đặc biệt đề xuất cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh-Đắk Nông
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh-Đắk Nông khẳng định, cần có sự thay đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các mặt như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quan hệ sản xuất tiên tiến, kết nối chặt chẽ chuỗi giá trị, tăng cường tính cạnh tranh... đối với ngành nông nghiệp hiện nay.