Quyền lựa chọn chính đáng và hợp pháp thuộc về người lao động

27/05/2015

Sáng 27/5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bên cạnh việc tranh luận về sửa hay không sửa Điều 60, đa số đại biểu Quốc hội đều đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản 1, Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Để người lao động có quyền lựa chọn

Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu tại Hội trường                                                                                  Ảnh: Đình Nam 

Tán thành với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung quy định trong Điều 60, đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng cho rằng, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của một bộ phận công nhân và người người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trí có lợi hơn. Trước mắt, họ cần một khoản tiền để mưu sinh, mở một cửa hàng nhỏ hay về quê làm ruộng, gắn bó với mảnh đất quê cha đất tổ của mình và cực chẳng đã họ mới phải chọn phương án nhận một lần. Do vậy, luật nên quy định mở để cho họ có quyền lựa chọn.

Đồng tình với việc sửa Điều 60, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ý kiến, nguyện vọng của công nhân là chính đáng và hợp tình, hợp lý. Mặt khác, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay chưa thể lo đầy đủ cho người lao động.

  Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại Hội trường                                                                                                  

Vì vậy, đại biểu đề nghị, nên sửa Điều 60 theo hướng bổ sung một khoản để cho người lao động lựa chọn bảo lưu hay được nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay trong kỳ họp này. Nếu chưa sửa được Điều 60 thì Quốc hội nên có Nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật bảo hiểm năm 2006 cho đến khi sửa Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình đề nghị, nếu sửa đổi luật phải làm đúng quy trình, theo trình tự và làm chặt chẽ. Quốc hội phải cho thẩm tra, đánh giá lại mức độ tác động. Phải xem xét có bao nhiêu phần trăm các doanh nghiệp, người lao động có phản ứng? Từ đó mới điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Quốc hội cần ra một Nghị quyết nhằm ổn định tình hình trước mắt và có thời gian để xem xét, tổ chức tốt việc tuyên truyền vận động để người lao động chấp thuận phương án một của Điều 60.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại Hội trường                                                                                              

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh,  việc sửa ngay Điều 60 hay Quốc hội ra một Nghị quyết thì cần tính toán thêm. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm quyền lựa chọn chính đáng và hợp pháp của công nhân.

Chưa nên sửa đổi, bổ sung Điều 60 tại kỳ họp này

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc sửa đổi Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội thì một số ý kiến đại biểu cho rằng chưa nên thông qua việc sửa đổi này mà chờ Chính phủ tiến hành khảo sát, đề xuất để Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm.

               Đại biểu Phan Văn Quý phát biểu tại Hội trường                                                                                                                        

Đại biểu Phan Văn Quý - Nghệ An cho rằng, Điều 60 không những phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện được tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta còn mang lại quyền lợi lâu dài và bền vững cho người lao động. Do đó, nếu dành thêm thời gian để khảo sát và đánh giá lại thì người lao động sẽ hiểu hơn và nhiều khả năng họ sẽ ủng hộ quy định mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Đặt câu hỏi về việc: “Một điều luật như Điều 60 đúng về bản chất ưu việt, đúng về quy trình làm luật mà lại đề nghị sửa đổi một cách nhanh chóng như vậy?”, đại biểu Nguyễn Thái Học - Phú Yên cho rằng, sửa đổi điều luật với lý do khi có sự phản ứng của một bộ phận người lao động ở các tỉnh thành phố phía Nam là chưa thật sự thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng: Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người lao động nhưng cũng cần lắng nghe ý kiến của tập thể tất cả những người lao động trên phạm vi cả nước. Quốc hội quyết định theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân, quyết định mang tính quyền lực của toàn dân đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định, lâu dài của toàn dân chứ không phải quyết định theo một bộ phận người lao động. Do vậy, đề nghị trong kỳ họp này Quốc hội không nên xem xét việc sửa đổi một điều luật.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết với 2 nội dung: Một là cho phép kéo dài việc thực hiện điểm c, Khoản 1, Điều 55, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Hai là giao Chính phủ khảo sát đánh giá ý kiến, kiến nghị của người lao động đối với Điều 60 một cách toàn diện, rộng rãi đối với người lao động trên khắp các vùng miền, trên các lĩnh vực để kiến nghị với Quốc hội xem xét, điều chỉnh nếu xét thấy cần thiết.

Đại biểu Lê Đình Khanh phát biểu tại Hội trường                                                                                                        

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Đình Khanh - Hải Dương phân tích, luật cũng như mọi chính sách không khi nào thảo mãn được 100% các đối tượng. Hiện nay, nhà nước đã có chính sách trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ rất nhiều cho người lao động. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng có chuyển biến tích cực, chính sách tiền lương đang được xem xét theo hướng ngày càng được cải thiện hơn, đời sống người lao động sẽ từng bước được nâng lên, lương hưu cũng vậy. Do đó đề nghị không sửa và bổ sung Điều 60 tuy nhiên đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết của Quốc hội ở kỳ họp cuối năm.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về vấn đề này Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội.

Đức Phương