Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách: Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính

16/04/2015

Ngày 16/4, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị                                                                                                               Ảnh: Đình Nam

Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận tại buổi làm việc là mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện có 2 phương án. Phương án thứ nhất, quy định tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Đa số các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị và các điểm cầu trực tuyến địa phương đồng tình với phương án này, tức là giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính. Các đại biểu cho rằng, phương án 1 hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013, đảm bảo được tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phân tích: bỏ Hội đồng nhân dân ở bất cứ một nơi nào đó tức là đã bỏ đi một thiết chế làm chủ, một kênh giám sát quyền lực của nhân dân ở nơi đó, không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, làm cho chính quyền xa dân hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình với phương án 2. Theo đó, tổ chức cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn. Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban Nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính quyền địa phương tại phường. Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, phương án này mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI.

Về chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các đại biểu đánh giá đây là một điểm rất mới của dự thảo Luật. Theo đó, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt sẽ được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng đại biểu, thành viên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và nhiệm vụ ở đây sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó. Các đại biểu đề nghị, Luật cần phải quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn rằng chính quyền ở đơn vị kinh tế đặc biệt được cơ cấu tổ chức như thế nào, cơ chế hoạt động cụ thể ra sao.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đề nghị cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Theo đó, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện.

Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu chuyên trách tại hội nghị và các đầu cầu trực tuyến địa phương. Phó chủ tịch cũng đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật tiếp thu các ý kiến đóng góp; đồng thời rà soát lại các Điều, các chương, các quy định của dự thảo Luật một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước ta hiện nay.

+ Ngày 17/4, Hội nghị sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Nguyễn Phương- Hồ Hương