Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần tách bạch khái niệm “oan” và “sai”

10/04/2015

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Tổng hợp kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013 thì công tác phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đoàn giám sát nhận thấy, tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chủ yếu do các nguyên nhân: Trình độ và năng lực nghiệp vụ của một số bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế; đội ngũ cán bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn hạn chế về chất lượng, yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm trong thi hành công vụ; thiếu sự phối hợp liên ngành…

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và tinh thần trách nhiệm của Đoàn giám sát. Báo cáo đã phản ánh được đầy đủ tình hình một số trường hợp cụ thể mà dư luận đang quan tâm. Quá trình giám sát đến các địa phương được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo được niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan làm công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, Báo cáo cần tách bạch khái niệm “oan” và “sai” thành 2 trường hợp rõ ràng. Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng đây là báo cáo giám sát về tình hình “oan” và “sai”, bởi vậy đề nghị làm rõ trường hợp nào là “oan”, trường hợp nào là “sai”. Nếu gộp 2 trường “oan” và “sai” thì số liệu đưa ra sẽ không được dư luận đánh giá chính xác; đồng thời gây ra sự chênh lệch về số liệu thống kê giữa các cơ quan tố tụng. Hơn nữa, với trường hợp án “oan”, bên cạnh việc xử lý kiến nghị, đối tượng gây ra oan, sai cũng bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Do đó, đề nghị Đoàn giám sát rà soát, tách bạch án “oan”, “sai” cho rõ ràng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đối chiếu số liệu chính xác giữa Đoàn giám sát với các cơ quan tố tụng là cần thiết để xác định rõ trường hợp oan, sai và những trường hợp nào có dấu hiệu oan, sai để xử lý kịp thời. Nếu số liệu đưa ra không chính xác thì các luận giải trong Báo cáo sẽ không chính xác. Bởi vậy, cần phải tiếp tục rà soát những số liệu cụ thể trong báo cáo để có sự thống nhất và chuẩn xác. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Đoàn giám sát phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng để rà soát lại số liệu và hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đoàn giám sát tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp ở trung ương rà soát lại tất cả các số liệu nhằm xây dựng một báo cáo hoàn chỉnh để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 này.

+ Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016.

Nguyễn Phương