Hội thảo khoa học về bản thảo Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1992-2011

10/04/2015

Ngày 10-11/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử, các nhân chứng lịch sử về bản thảo cuốn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1992-2011. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội T.S Nguyễn Sĩ Dũng và Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện sử học PGS. TS Nguyễn Văn Nhật chủ trì Hội thảo.

Ảnh: Vụ TT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học lịch sử, sinh viên các trường đại học và đông đảo bạn đọc trong cả nước, từ năm 1993 - 2011, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn triển khai biên soạn và xuất bản 3 tập sách về Lịch sử Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn 1946-1960, 1960-1976, 1976-1992.

Cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1992-2011 là cuốn thứ 4 về lịch sử Quốc hội Việt Nam phản ánh đầy đủ đầy đủ hoạt động của Quốc hội qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, X, XI, XII. Với mong muốn Cuốn sách đạt chất lượng cao nhất, ngày 4/2/2015, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử và đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, bổ sung. 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đều cho rằng, đây là công trình nghiên cứu khoa học lịch sử mang tính chính trị cao. Bản thảo đã lựa chọn được những sự kiện tiêu biểu để làm rõ các hoạt động của Quốc hội theo các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Quốc hội trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu đánh giá, cuốn sách sẽ là tài liệu tốt phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Bản thảo được xây dựng công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ hoạt động của Quốc hội qua 4 nhiệm kỳ, thể hiện sự phát triển liên tục, có tính kế thừa của Quốc hội Việt Nam. Các đại biểu đề nghị, trong giai đoạn 1992-2011, nước ta thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo Hiến pháp 1992, do đó các nội dung cần phải đi sâu, làm nổi bật những sự kiện lớn liên quan đến Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. Sự kết nối giữa các chương phải tạo được sự xuyên suốt giữa các nhiệm kỳ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị đưa thêm những nội dung về đánh giá của cử tri, người dân, các chuyên gia trong và ngoài nước về hoạt động của Quốc hội để làm nổi bật, sinh động thêm hoạt động của Nghị trường.

PV