Ảnh: Đình Nam
Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật phí và lệ phí. Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành ngày 28/8/2011 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002. Theo đó, qua 13 năm triển khai thực hiện, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chính sách phí, lệ phí là một khâu trong hoạt động cung cấp dịch vụ công; việc hoàn thiện chính sách phí, lệ phí góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực; từ đó, góp phần giảm chi phí hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đến nay không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế về danh mục phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu phí; về quản lí, sử dụng phí. Để khắc phục nhưng tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần ban hành Luật phí và lệ phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật phí và lệ phí nêu rõ: Thường trục Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với việc điều chỉnh của Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do Cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện như Dự thảo Luật.
Về một số khoản phí, lệ phí cụ thể như viện phí, học phí : Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí và thực hiện theo cơ chế giá, các quy định này đã được thể hiện tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật giá.
Ngoài một số khoản phí, lệ phí nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà có mức thu thấp, chi phí hành thu cao như Lệ phí hải quan... nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu; một số khoản phí không phù hợp có thể gây bức xúc cho người dân như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...
Cho ý kiến về dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến khác đánh giá một số quy định trong dự thảo còn chưa rõ về nội hàm của từng khái niệm, cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ. Cần phải rà soát tính đồng bộ và đồng nhất đối với các luật liên quan; khi vận hành cần đảm bảo nguồn nhân lực phân công xuống địa phương, đảm bảo tính giám sát chặt chẽ trong quá trình thi hành luật và cần giao trách nhiệm rõ ràng đến các địa phương để quản lý. Đây là những vấn đề mà ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn để hoàn thiện dự án Luật.
Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật. Theo đó, cơ quan thu phí được để lại một phần số phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị không trích lại. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách thì ngân sách nhà nước phải được quản lý tập trung thống nhất và tất cả các khoản thu phải được nộp vào ngân sách; còn sau đó các khoản chi cần thiết phải có cơ quan thầm quyền phê duyệt và ngân sách sẽ cấp trở lại. Do đó những vấn đề, quy định liên quan đến phí và lệ phí cũng cần tuân thủ như vậy.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc trình dự thảo Luật phí và lệ phí để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới.