Khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

06/04/2015

Sáng 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 37 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Dự kiến, Phiên họp sẽ kéo dài đến hết ngày 10-4.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 9 dự án Luật bao gồm Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; các dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu các dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp                                   Ảnh: Đình Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập TP.Tam Điệp (Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016; đồng thời nghe Đoàn giám sát báo cáo, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo bổ sung (nếu có) về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới thành công hay không là nhờ sự chuẩn bị từ bây giờ do yêu cầu giải quyết khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến để đảm bảo hiệu quả của phiên họp.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật An toàn thông tin.

Trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật An toàn Thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Thường trục Ủy ban KH, CN và MT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin. Bởi việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh Luật; các thuật ngữ, khái niệm trong dự thảo Luật; vấn đề chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Các đại biểu cho rằng, một số thuật ngữ, quy định của Dự thảo Luật còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc hướng dẫn áp dụng tùy tiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn, tạo thuận lợi khi thực hiện Luật. Đồng thời, nên cân nhắc kỹ các khái niệm có tính nhạy cảm cao như “an ninh mạng”, “chiến tranh mạng”… để tránh việc gây ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhiều khái niệm trong Dự thảo Luật chưa chưa thực sự rõ ràng, chính xác như khái niệm “an toàn thông tin”. Chủ tịch lưu ý, từ "an toàn" dùng cho người cấp thông tin, mạng truyền tin, hay cho người nhận thông tin?  Do đó, Ban soạn thảo cần giải thích từ ngữ chuẩn xác hơn.

Về tên gọi và phạn vi điều chỉnh dự án Luật, các đại biểu cho rằng, theo Điều 21 của Hiến pháp năm 2013, “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khá”. Do đó, phạm vi thông tin cần được pháp luật đảm bảo an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng Internet. Trong khi đó, Tờ trình của Chính phủ và phần lớn nội dung của dự thảo luật chỉ tập trung quy định về đảm bảo an toàn thông tin trên mạng. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị đổi tên gọi của Dự thảo Luật thành “Luật an toàn thông tin trên mạng” hoặc “Luật an toàn thông tin điện tử”.

Về vấn đề chủ quyền quốc gia về không gian mạng, có ý kiến cho rằng xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề rất khó và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường trên nền khoa học - công nghệ phát triển ở mức cao và nhanh như hiện nay. Do đó, Luật cần có quy định việc sẵn sàng thực thi khi xảy ra tình huống nguy hiểm đến an ninh quốc gia mà chúng ta cần có các biện pháp tự vệ.

Một số ý kiến cho rằng không nên đưa vấn đề chủ quyền không gian mạng vào Dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KH, CN và MT tán thành với ý kiến này vì chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện việc tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng. Hơn nữa, đã có các quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Mục 3, Chương II trong Dự thảo Luật. Đa số ý kiến tại buổi làm việc đều đồng tình với việc không đưa vấn đề chủ quyền không gian mạng vào Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa “An toàn thông tin” và “An ninh thông tin”; giữa đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban KH, CN và MT để hoàn thiện Dự thảo Luật.

+ Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phí, lệ phí.

Nguyễn Phương