Ảnh: TTXVN
Sau 5 ngày làm việc tập trung, có trách nhiệm và hiệu quả, Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội đã chính thức khép lại với nhiều kết quả tích cực. Đại hội đồng đã thảo luận, thông qua nhiều chủ đề và Nghị quyết quan trọng, đặc biệt là chủ đề chung Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động. Đại hội đồng đã nghe và thông qua các báo cáo về 03 dự thảo Nghị quyết của các Ủy ban thường trực của IPU gồm: (i) Nghị quyết về Chiến tranh mạng –mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) Nghị quyết về Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; (iii) Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.
Đại hội đồng IPU-132 đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội, văn bản quan trọng phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Văn bản này sẽ được đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới. Tuyên bố Hà Nội tiếp tục là khẳng định của IPU về sự tôn trọng quyền con người, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế; thể hiện vai trò của IPU và các nghị viện thành viên trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết những vấn đề an ninh toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, nguồn nước, chống khủng bố…
Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tuyên bố Hà Nội sẽ đóng vai trò rất quan trọng tới hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam thực hiện thành công ở nhiều chỉ tiêu đã đến thời điểm phải cùng nhau thảo luận, đề xuất để Liên Hợp Quốc đề ra hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu và tổ chức thực hiện cho 15 năm tiếp theo. Chương trình 15 năm tiếp theo được khởi động, thảo luận, đề xuất từ IPU gửi đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để thông qua là kinh nghiệm rất quý giá cho Quốc hội Việt Nam trong việc lắng nghe, thấu hiểu, đề xuất các biện pháp để giải quyết các vấn đề trong nước và đóng góp toàn cầu. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước thành viên IPU cần phải triển khai trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nghị viện quốc gia chuyển những nội dung của Nghị quyết của IPU thành hành động cụ thể. Quốc hội cần phải tích cực đổi mới, đưa ra luật pháp sát với Mục tiêu thiên niên kỷ, sát với chương trình hành động; đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng trong đó lấy người dân làm trung tâm; tiến hành giám sát các hoạt động thực thi. Quốc hội phải có hành động và chuyển hóa thành hành động của Chính phủ, các địa phương và đến từng người dân. Những điều này sẽ góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ, thành công của Đại hội đồng IPU-132 chứng tỏ sự lớn mạnh, vai trò tích cực, tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của IPU, đồng thời đóng góp cho việc xử lý những thách thức toàn cầu, định hình cho sự phát triển tiếp theo của nhân loại.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ vinh dự khi Quốc hội Việt Nam là chủ nhà của IPU-132 và bày tỏ cảm kích trước sự ủng hộ của các nghị sĩ, bạn bè quốc tế, nhân dân Hà Nội và cả nước đã đồng hành góp phần vào thành công chung của IPU-132.
Phát biểu tại Họp báo, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chúc mừng sự điều hành xuất sắc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đồng thời là Chủ tịch IPU-132; cho rằng công tác tổ chức của nước chủ nhà đã vượt hơn cả mong đợi; kết quả đạt được của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam đã nâng tầm giá trị của IPU, góp phần định hình xu hướng mới trong hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới, trong đó tập trung vào giải pháp và hành động hơn là chỉ dừng lại nhận định tình hình, thực sự biến lời nói thành hành động.