Ảnh: TTXVN
Chúng ta, nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tề tựu tại Hà Nội, Việt Nam đã xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững đang nổi lên và xem xét vai trò của mình để đạt được các mục tiêu này.
Đây là Tuyên bố của chúng ta.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, y tế, tri thức, và của cải vật chất, nhưng sự chênh lệch đã tồn tại từ rất lâu về kinh tế và xã hội vẫn đang ngày càng tăng, gây tổn hại cho toàn bộ hành tinh, nhiều nước trên thế giới chưa được hưởng thành quả của sự phát triển.
Tình hình này – trở nên trầm trọng do mối đe doạ cấp bách đến từ biến đổi khí hậu và làn sóng bất ổn xã hội, chính trị ngày càng tăng, xung đột trong và giữa các quốc gia – đang nổi lên hàng đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho thấy, chỉ với ý chí chính trị, sự lãnh đạo mạnh mẽ và vai trò làm chủ của quốc gia, chúng ta mới có thể đạt được những cam kết quốc tế. Là nghị sĩ, chúng ta có nghĩa vụ phải hành động.
Việc thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 9 năm 2015 này sẽ đem lại một cơ hội có một không hai để ứng phó với các thách thức toàn cầu, sử dụng cách tiếp cận phổ cập và toàn diện áp dụng cho tất cả các quốc gia và gắn vấn đề xoá đói nghèo với phát triển bền vững.
TẦM NHÌN
Vào thời điểm quan trọng này, chúng ta, những nghị sĩ trên thế giới, khẳng định lại tầm nhìn của chúng ta về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xóa nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ. Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Xóa đói nghèo và phát triển bền vững là trách nhiệm chung, và chúng ta cần cố gắng điều phối nguồn lực tốt hơn và công bằng hơn. Hình thái sản xuất và tiêu thụ hiện nay rõ ràng chưa bền vững, và tất cả các nước - kể cả các nước phát triển và đang phát triển - cần cùng nhau hợp tác. Các nước phát triển cần hợp tác để xây dựng một mô hình chung về tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm đòi hỏi phải có công bằng trong lĩnh vực môi trường: hành tinh và tất cả hệ sinh thái phải được xem là tài sản chung của toàn thể nhân loại hiện nay và trong tương lai. Con người phải là động lực cho tất cả các chính sách phát triển bền vững, và các tiến bộ cần được đánh giá không chỉ bằng GDP mà còn các biện pháp khác. Không nên chỉ coi người dân là những người trả thuế và người tiêu dùng mà phải xem họ là những công dân có quyền và nghĩa vụ. Chúng ta phải đầu tư vào người dân - vào sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, và kỹ năng của họ - coi họ là nguồn lực quan trọng nhất của chúng ta.
Tất cả các thể chế chính phủ phải mang tính đại diện và tất cả đều có thể tiếp cận được. Cần có sự tôn trọng các khác biệt về văn hóa, và cần tiếp thu những cách tiếp cận địa phương đối với vấn đề phát triển bền vững. Tất cả người dân, không phân biệt giới tính, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, và tình trạng sức khỏe, phải được trao quyền để họ có thể hợp tác vì hòa bình và sự thịnh vượng chung.
CAM KẾT
Nhận thức rằng những mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất là kết quả của sự thỏa hiệp, chúng ta thông qua những mục tiêu này - coi đó như một khuôn khổ mang tính chuyển đổi giúp thúc đẩy quá trình đưa ra quyết sách ở tất cả các quốc gia.
Chúng ta hài lòng nhận thấy những nỗ lực đưa các mục tiêu về cuộc sống khỏe mạnh, thịnh vượng, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia và vấn đề quản trị được nêu trong các mục tiêu phát triển bền vững, đã cho thấy kết quả như mong đợi. Chúng ta đánh giá cao việc tăng cường tập trung vào vấn đề y tế, việc này sẽ tạo cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS, trong khi vẫn xử lí được các thách thức mới nổi như các bệnh không truyền nhiễm.
Chúng ta hoan nghênh mục tiêu mới kêu gọi cần có hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu, và chúng ta đánh giá cao mục tiêu rộng lớn này về các phương thức triển khai - tài chính, thương mại, công nghệ, xây dựng năng lực và cải cách hệ thống - cần phải huy động nhằm hỗ trợ cho khuôn khổ mới. Mục tiêu này sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác phát triển toàn cầu hiện nay.
Chúng ta cam kết nỗ lực hết mình tăng cường vai trò quốc gia làm chủ các mục tiêu này, cụ thể là phổ biến các mục tiêu trên cho cử tri của mình. Người dân phải hiểu những mục tiêu trên có liên quan đến đời sống của họ như thế nào. Là đại diện cho nhân dân, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh trong tiến trình chính trị đó, không phân biệt địa vị xã hội của họ.
Chúng ta cam kết nội luật hóa những mục tiêu đó, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách. Mỗi nước phải nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo hoàn tất được các mục tiêu trên.
Đại hội thông qua Tuyên bố Hà Nội Ảnh : TTXVN
HÀNH ĐỘNG
Là nghị sĩ, chúng ta phải ủng hộ những nỗ lực nhằm hoàn tất những mục tiêu trên cơ sở tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là rõ ràng, đó là: bảo đảm các chính phủ có trách nhiệm với những mục tiêu mà họ cam kết thực hiện, và đảm bảo các luật và ngân sách liên quan được thông qua.
Việc đầu tiên chúng ta phải làm là xem xét các thể chế và qui trình ra quyết định của mình phải phù hợp với mục đích.
Là đại diện của người dân, chúng ta cần quan tâm tới việc bảo vệ lợi ích công và theo đuổi sự thịnh vượng chung. Chúng ta phải ngăn ngừa các lợi ích nhóm gây ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận của chúng ta. Chúng ta phải tập trung xây dựng đồng thuận đối với các giải pháp thực tiễn.
Chúng ta sẽ nỗ lực vượt qua tâm lý cục bộ ở các nghị viện và hệ thống hành chính quốc gia nhằm phản ánh bản chất liên ngành của các mục tiêu. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ nỗ lực hết mình thể chế hóa các mục tiêu đó tại mỗi nghị viện, giành thời gian cho thảo luận và giám sát việc thực hiện. Các ủy ban của Nghị viện và các tiến trình cần theo đuổi tất cả các mục tiêu này một cách gắn kết.
Chúng ta sẽ giúp các quốc gia làm chủ các mục tiêu này bằng việc mỗi quốc gia cần có một kế hoạch phát triển bền vững được xây dựng đầy đủ với sự tham gia đóng góp sâu rộng, trong đó có đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng, phù hợp với khuôn khổ quốc tế về quyền con người.
Chúng ta cam kết ban hành các điều khoản về ngân sách và luật pháp phù hợp với kế hoạch phát triển quốc gia, xác định rõ các mục tiêu và chỉ tiêu áp dụng cũng như biện pháp cung cấp nguồn tài chính. Hàng năm các chính phủ phải báo cáo Nghị viện về việc thực hiện kế hoạch quốc gia. Nghị viện cần thu thập ý kiến phản hồi thường xuyên từ các cử tri để đánh giá quá trình triển khai trên thực tế.
Chúng ta tiếp tục cam kết sẽ đánh giá sự tiến bộ không chỉ dựa trên các chỉ số trung bình của quốc gia mà còn phải xem xét tới các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội, để bảo đảm ai cũng được quan tâm. Theo đó, năng lực quốc gia trong việc thu thập và phân tách dữ liệu theo giới tính, độ tuổi, nhóm thiểu số và tình trạng sức khỏe, là quan trọng.
Nhận thức được vai trò của chúng ta trong việc huy động các nguồn lực để đạt mục tiêu, bao gồm cả nguồn tài chính từ khu vực nhà nước và tư nhân, ở cả cấp quốc gia và quốc tế, chúng ta sẽ hỗ trợ việc thực hiện tất cả các cam kết quốc tế. Cụ thể, chúng ta sẽ cố gắng tăng cường nguồn lực trong nước, trong đó có việc chống các dòng tài chính bất hợp pháp. Chúng ta sẽ nâng cao chất lượng và khối lượng viện trợ, thiết lập ra một cơ chế cơ cấu nợ của nhà nước theo trình tự, tăng cường môi trường cho đầu tư khu vực tư nhân, thông qua quan hệ đối tác công - tư, cải cách chế độ tài chính, tiền tệ và thương mại toàn cầu để có thể hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.
Cuối cùng, chúng ta cam kết ủng hộ thực hiện các mục tiêu ở cấp độ toàn cầu. Chúng ta sẽ cùng các Đoàn của chính phủ tham dự các cuộc họp thường niên của Hội đồng Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội, cơ quan sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về báo cáo tiến độ thực hiện trên toàn cầu. Chúng ta cũng sẽ đóng góp ý kiến vào các báo cáo kiểm điểm quốc gia được đệ trình lên Diễn đàn Cấp cao Chính trị Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững. Bằng mọi biện pháp có thể, chúng ta sẽ tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc ở các nước sở tại để chia sẻ thông tin và tìm các hình thức đối tác và hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy việc triển khai kế hoạch quốc gia.
Chúng ta yêu cầu thông điệp trọng tâm của Tuyên bố Hà Nội này cùng với Thông cáo Quito trước đây, sẽ được phản ánh trong kết quả của Hội nghị Thế giới lần thứ tư Chủ tịch các Nghị viện Thế giới, qua đó cung cấp nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc trong tháng 9.
Chúng ta thúc giục chính phủ các nước khi đàm phán cần nhớ tới nhu cầu thực tế và kỳ vọng của công dân và giải quyết mối liên kết quan trọng giữa phát triển bền vững, quản trị dân chủ và nhân quyền. Tuyên bố của Liên Hợp Quốc sau 2015 phải cam kết xây dựng các thể chế mạnh, trong đó có cần bảo đảm nghị viện có năng lực và trách nhiệm đối với kết quả thực hiện. Chúng ta khuyến khích những người dự thảo Tuyên bố nhận thức được vai trò quan trọng và trách nhiệm của các nghị viện - và của IPU, một tổ chức thế giới - trong việc thực hiện và giám sát tiến trình thực hiện chương trình nghị sự phát triển mới.
Hơn nữa, chúng ta nhấn mạnh rằng sự gắn kết của kết quả các cuộc thương lượng năm nay về Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, tài trợ cho phát triển, biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai là rất quan trọng để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia.
Chúng ta bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến IPU, một tổ chức thế giới của chúng ta, vì đã nâng cao nhận thức về các Mục tiêu Phát triển Bền vững và đã giúp cho tiếng nói của chúng ta được lắng nghe tại Liên Hợp Quốc. Chúng ta mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của IPU trong nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng nhau, chúng ta sẽ thành công.