Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/03/2015

* Tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng
* Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán

                                                                                                                             Ảnh: Đình Nam

Ngày 10/3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường; Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, Quảng Ngãi và việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: trước bối cảnh giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp như hiện nay, cùng với việc phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế đối với WTO, nội khối ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc... Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu với mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít, dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; dầu nhờn từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; mỡ nhờn từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít...

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là thuế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp nên chúng ta cần phải tính toán thận trọng để có lộ trình phù hợp, đồng thời phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ.

Trước băn khoăn của một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường sẽ được tiến hành song song với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến giá xăng, dầu trong nước.

Với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 về biểu thuế bảo vệ môi trường. 

Cũng trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về vốn đầu tư Dự án đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất 2, Quảng Ngãi và việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành chủ trương hỗ trợ Quảng Ngãi thực hiện dự án từ nguồn ngân sách trung ương như Tờ trình của Chính phủ. Vì đây là dự án  rất quan trọng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, tạo động lực khai thác tiềm năng, thu hút các dự án đầu tư tại khu Công nghiệp Dung Quất 2 và Khu phức hợp VSIP, gắn với lợi thế cụm cảng nước sâu Dung Quất 2, làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển KT- XH của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và góp phần vào việc phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nhất trí với việc sử dụng cơ chế lấy từ nguồn vượt thu một số năm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để hỗ trợ dự án vì không đúng với quy định hiện hành, không đúng với cơ chế quản lý ngân sách nhà nước.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi cho Bộ Ngoại giao từ nguồn thu 70% lệ phí lãnh sự được để lại đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Luật kế toán được Quốc hội khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004. Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại những hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

Cơ bản nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung Luật kế toán, tuy nhiên các Ủy viên ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là luật mang tính chuyên môn cao, vì vậy trong quá trình chuẩn bị đưa ra Quốc hội cần phải tổ chức lấy ý kiến các hiệp hội ngành nghề, những người làm công tác kế toán và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, để xem cần sửa những gì để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán phải tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội. Ngoài ra, việc sửa đổi bổ sung cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính kế toán để tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý, giám sát của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu hơn về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn.

Mai Trang