Sau hơn 30 năm thực hiện (với 3 lần sửa đổi, bổ sung), Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành đã đi vào đời sống, tạo cơ sở pháp lý để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; quyền, lợi ích chính đáng của hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ, hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị được bảo đảm và có bước cải thiện, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế hoặc không còn phù hợp như: độ tuổi gọi nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và chế độ, chính sách về thực hiện nghĩa vụ quân sự...
Về quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên, học viên và thanh niên tình nguyện, điểm e, khoản 1, Điều 41 dự thảo Luật quy định: tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân đang học tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tại tọa đàm, có ý kiến đề nghị không nên quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên. Tuy nhiên, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Các đại biểu cũng đề nghị, cần tăng cường giáo dục quốc phòng trong trường học, có sự liên kết giữa giáo dục quốc phòng và giáo dục trong trường học...