Tọa đàm góp ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương

05/03/2015

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật phối hợp cùng Văn phòng Quốc hội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm góp ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, đại diện JICA cùng nhiều chuyên gia cao cấp về chính quyền địa phương đến từ Nhật Bản.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Lê Minh Thông cho biết, trong khuôn khổ chương trình xây dựng pháp luật, chính quyền địa phương là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang tích cực cho ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo, đã có nhiều nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về vấn đề này, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa cụ thể như: dự thảo luật cần thể hiện như thế nào về sự khác nhau giữa mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ giữa các địa giới hành chính lãnh thổ. Ở một số trường hợp cụ thể, khác nhau về địa giới hành chính có nhất thiết cần khác nhau về cơ cấu tổ chức hay chỉ cần khác về thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần quy định thế nào để chính quyền địa phương không phải là chính quyền tự quản nhưng là chính quyền tự chủ và đảm bảo sự kiểm soát, thông suốt giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia về chính quyền địa phương đến từ Cục Pháp chế - Hạ viện Nhật Bản và các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản trình bày một số nội dung về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản.

Trong thời kỳ đầu, Nhật Bản xây dựng hệ thống chính quyền địa phương gồm 3 cấp và duy trì trong khoảng 35 năm. Từ năm 1924 đến nay, Nhật Bản duy trì 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình, đơn vị chính quyền địa phương cấp trên, quản lý phạm vi rộng, tư vấn, hỗ trợ, điều phối cho đơn vị chính quyền địa phương cấp dưới và đều chịu chỉ huy, giám sát của Bộ trưởng trong Nội các. Tại các cấp chính quyền địa phương đều có cơ chế hai tầng đại biểu gồm thủ trưởng khối hành chính và nghị viện đều do nhân dân bầu ra.

Quyền tự trị địa phương thuộc về Đoàn thể công địa phương. Đoàn thể công địa phương bao gồm đoàn thể công địa phương thông thường và đoàn thể công địa phương đặc biệt. Đoàn thể công địa phương có vai trò, nhiệm vụ như một bộ máy hành chính tổng hợp, xử lý các công việc tại địa phương và những công việc được pháp luật quy định.

Về kỹ thuật lập pháp, Luật Tự trị địa phương Nhật Bản xây dựng dựa trên một số nguyên tắc như: Những nội dung chung được nhóm vào cùng một điều luật thay vì quy định rải rác từng phần; Những nội dung giống nhau được thể hiện bằng từ ngữ, cấu trúc giống nhau; Thứ tự các quy định được xây dựng theo trình tự nguyên tắc, ngoại lệ, thủ tục.

Các đại biểu tham dự cũng đã tiến hành phần trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề liên quan, đồng thời đưa ra những đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương để trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XIII.

Đức Phương