Tờ trình về dự án Luật Thống kê (sửa đổi) cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thống kê năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo cơ sơ pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vai trò quan trọng của công tác thống kê; địa vị pháp lý của cơ quan thống kê; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê. Luật hiện hành đã góp phần làm tăng tính liên kết giữa cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành. Thông tin thống kê đã góp phần giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cho thấy còn thiếu quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm; việc phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp còn do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu...
Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thống kê; cho rằng việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thống kê, phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần là một công cụ để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về công tác thống kê; bảo đảm tính kịp thời, chính xác, khách quan, chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê đáp ứng hiệu quả đối với nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo cần quy định cụ thể, chi tiết ngay trong dự án Luật về phân tích dự báo thống kê, kỳ phân tích của từng cơ quan trong hệ thống, lịch công bố thông tin thống kê...; tránh giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê đối với các tổ chức, cá nhân trong xã hội.