* Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Chỉ quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
* Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi): Phân cấp ngân sách phải đi theo phân cấp quản lý, nếu phân cấp quản lý không rõ thì không thể rành mạch quyền của Trung ương và địa phương trong thu, chi ngân sách
* Phương án sử dụng dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015: Cần xác định rõ tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành sau khi được cấp vốn để có căn cứ đánh giá hiệu quả các dự án, công trình
Sáng 26.2, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tại Kỳ họp thứ Tám, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, QH đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát thực địa Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa và địa điểm quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai và một số địa điểm có liên quan khác để tiếp tục làm rõ thêm về sự cần thiết và các phương án đầu tư; tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; sân golf trong khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và về chồng lấn vùng trời bay.
Về sự cần thiết và các phương án đầu tư, có ý kiến đề nghị nghiên cứu phương án mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa đồng thời mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất để kết hợp cùng khai thác. Có ý kiến đề nghị chuyển hoạt động quân sự tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất sang sân bay quân sự Biên Hòa để dành toàn bộ quỹ đất tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất cho mục đích khai thác hàng không dân dụng.
Qua làm việc và khảo sát, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, không nên sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Việc cải tạo, mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn giải tỏa đền bù, tái định cư (tương đương 9,1 tỷ USD), đồng thời, nhìn về dài hạn nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng Cảng hàng không này. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Việc đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến dự án là 2.250ha, bao gồm 1.050ha đất dành cho quốc phòng và 1.200ha đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không.
Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy mô và dự báo hành khách để xác định mục đích xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với vai trò trung chuyển. Bên cạnh đó, có ý kiến chuyên gia cho rằng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ khó phát huy được vai trò trung chuyển.
Đa số thành viên UBTVQH nhất trí với kết quả khảo sát và nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Ủy ban Kinh tế; đề nghị cần làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến dự án. Về sự cần thiết, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, khi đặt vấn đề sân bay Long Thành là sân bay trung chuyển quốc tế thì một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, nếu đây là sân bay trung chuyển thì sẽ là sân bay trung chuyển chung cho 3 nước Philippines, Indonesia và Australia. Nhưng vị trí của sân bay Long Thành đối với Philippines, Indonesia là quá gần. Và nếu có trung chuyển thì chỉ trung chuyển cho Australia. Như vậy, mục tiêu đặt ra là trung chuyển cho 3 nước nhưng khả năng sẽ chỉ trung chuyển cho 1 nước. Câu hỏi đặt ra là vai trò của sân bay Long Thành như thế nào? Đối với nội địa, dự kiến mục tiêu cũng chỉ đạt 20%, vậy khi hoàn thành 3 giai đoạn đầu tư như báo cáo thì sân bay Long Thành có đạt được 100 triệu lượt hành khách không? Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là câu hỏi cần trả lời rõ với QH để khẳng định có cần thiết hay không cần thiết thực hiện dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, cần làm rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân có đất thu hồi. Hiện nay, theo dự án thì UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch được hai khu tái định cư với diện tích dự kiến mỗi khu là 282ha đất ở cho nhân dân có đất thu hồi. Tuy nhiên, trong diện tích đất thu hồi dự kiến là 5.000ha phục vụ cho việc xây dựng sân bay Long Thành, thì có nhiều diện tích là đất sản xuất. Do vậy, cần tính toán kỹ, có phương án cụ thể đối với những hộ dân trước đây làm nông nghiệp, nay nếu bị thu hồi đất sản xuất, chuyển ra khu tái định cư thì các hộ dân này sẽ làm gì để sống?
UBTVQH cũng đề nghị làm rõ những nội dung liên quan đến cơ chế và nguồn tài chính thực hiện dự án và tác động của dự án đối với vấn đề nợ công...
Tiếp đó, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, nhiều ĐBQH đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của Luật, đồng thời rà soát để tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển và hải đảo, bảo đảm không trái Luật Biển Việt Nam và phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật biển. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Luật này chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Việc quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trong dự thảo Luật không trái với Luật Biển Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về đề nghị quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, hiện còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, còn cơ chế phối hợp thì giao Thủ tướng Chính phủ quy định. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Thường trực Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất, theo đó chỉ quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong Luật còn cơ chế phối hợp cụ thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ và các cơ quan hành chính nhà nước liên quan.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), phương án sử dụng dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015.
Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với quy định QH quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp, trong đó, tại kỳ họp giữa năm sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, lĩnh vực. Việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán khoa học và chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của QH theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, tại kỳ họp giữa năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa được xác định, nên rất khó xác định được việc sẽ phải tiêu tiền vào đâu, tiêu tiền như thế nào để lập dự toán ngân sách nhà nước. Vì vậy, thay vì quyết định qua 2 kỳ họp, thì QH có thể sẽ thảo luận nhiều lần về dự toán ngân sách nhà nước được Chính phủ trình tại kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả của dự toán. Tất nhiên, Chính phủ phải xây dựng sớm dự toán ngân sách nhà nước để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH có thể xem xét kỹ trước khi trình UBTVQH và QH – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Về thời điểm xem xét, thông qua dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, QH có thể sắp xếp thời gian thảo luận để thông qua dự án luật này song hành với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhưng sẽ không đủ độ chín để xác định việc phân cấp, phân quyền quản lý ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được xác định sẽ có hiệu lực thực hiện từ năm 2017 nên chỉ được áp dụng trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, không tác động đến việc xây dựng dự toán ngân sách trong năm 2016. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị, QH sẽ cho ý kiến lần thứ hai với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Chín, và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định chung về thẩm quyền của chính quyền địa phương và thẩm quyền của Trung ương, không quy định thẩm quyền cụ thể trong từng lĩnh vực. Mặt khác, năm 2016 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, là năm bắt đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới, nên không thể xây dựng dự toán ngân sách nhà nước cho năm 2016 dựa trên quy định của luật cũ. Do đó, cần tổ chức thời gian thảo luận phù hợp đối với 2 dự án Luật này để có thể xem xét, thông qua đồng thời trong Kỳ họp thứ Chín tới. Tán thành với quan điểm này, song nhiều ý kiến lưu ý, phân cấp ngân sách phải đi theo phân cấp quản lý. Nếu phân cấp quản lý không rõ thì không thể rành mạch quyền của Trung ương và địa phương trong thu, chi ngân sách. Vì vậy, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải phân biệt rõ nhiệm vụ nào do Trung ương thực hiện, do địa phương thực hiện thì mới có thể tính đến việc phân cấp thu, chi ngân sách. Các cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra cần làm việc với nhau để thống nhất các quan điểm tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật để bảo đảm sự đồng bộ của hai luật này.
Tiếp đó, thảo luận về việc sử dụng dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc phân bổ nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ (khoảng 7.500 tỷ đồng) cho một số dự án, công trình được Chính phủ đưa ra phải tuân thủ đúng nguyên tắc trong Nghị quyết của QH gồm: chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được QH và UBTVQH quyết định; chỉ bổ sung cho các dự án còn thiếu vốn; bảo đảm tính cụ thể, làm rõ mức độ dở dang, tính chất cấp bách của từng dự án. Đồng thời, Chính phủ cần xác định rõ tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành sau khi được cấp vốn để có căn cứ đánh giá hiệu quả, cũng như tạo cơ sở để giám sát việc thực hiện các dự án, công trình này.
Đối với dự án di dân phục vụ cho công trình thủy điện Sơn La, Chính phủ đề nghị bổ sung 2.295 tỷ đồng, trong đó có 2.213 tỷ đồng để thanh toán cho phần tăng tổng mức đầu tư do thay đổi chính sách và trượt giá (hoàn trả tạm ứng); và 82 tỷ đồng bổ sung cho việc đầu tư Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La và Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên. Song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nhấn mạnh, dù bổ sung vốn cho dự án di dân phục vụ cho thủy điện Sơn La là do Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch các khu di dân, nhưng vẫn cần cân nhắc cơ sở pháp lý để thực hiện vì vốn đã được bố trí đầy đủ cho dự án này. Ngoài ra, khoản bổ sung cho dự án này là để thanh toán cho phần đã chi (hoàn tạm ứng), nên phải rút kinh nghiệm để không lặp lại trong thời gian tới, cũng như tại những dự án khác.