Khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tư của UBTVQH

20/01/2015

* Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi): Cần làm rõ nội hàm nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc
* Dự án Luật Thú y (sửa đổi): Nên giữ quy định về hệ thống tổí chức cơ quan chuyên ngành về thú y từ Trung ương đến cấp huyện
* Cho ý kiến dự thảo Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH
* Dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND: Có khắc phục được tính hình thức trong hoạt động giám sát không?

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tư của UBTVQH
Ảnh: L. Hiển
Sáng 19.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tư.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân, được quy định trong Hiến pháp 2013. Do đó, việc quy định nghĩa vụ quân sự thay thế các nghĩa vụ đóng tiền hay lao động công ích không những không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, mà còn làm mất ý nghĩa thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự tại ngũ và công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, quy định một số hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình. Đa số ủy viên UBTVQH tán thành với quan điểm nêu trên. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung LýChủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị, cần làm rõ hơn nội hàm thế nào là nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy tại cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là nhằm hạn chế việc lợi dụng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, trong đó có lợi dụng chính sách tạm hoãn đối với học sinh, sinh viên. Trên cơ sở pháp lý, thực tiễn của nước ta, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên, nhằm bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đã là công dân Việt Nam thì phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhằm nâng cao ý chí thanh niên và bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển, nên chăng cần thay đổi một số quy định như thời hạn thực hiện nghĩa vụ, các tiêu chí lựa chọn sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên thực hiện nghĩa vụ sao cho đạt được hiệu quả là xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp... Một số ý kiến khác đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ để những nội dung có thể luật định được thì quy định ngay trong luật này. 

Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thú y (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, mục tiêu ban hành Luật Thú y là để tiếp tục quản lý có hiệu quả hơn hoạt động chăm sóc, chữa trị bệnh cho động vật và kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với động vật để phát triển chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Do vậy, việc bổ sung cụm từ chữa bệnh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là hợp lý. Riêng vấn đề kiểm soát thức ăn chăn nuôi được quản lý theo pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm.

Về hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc dự thảo Luật tiếp tục quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện là hợp lý, để bảo đảm sự ổn định, giúp đảm đương được các nhiệm vụ được giao trong Luật Thú y. Riêng đối với tổ chức thú y cấp xã, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có quy định hợp lý nhằm tránh làm tăng biên chế ở cấp xã trong khi mạng lưới thú y, nhân viên thú y cơ sở đang hoạt động có hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành với phương án 2, quy định rõ hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; thay vì phương án 1 là quy định hệ thống tổ chức cơ quan này từ Trung ương đến cấp huyện theo nguyên tắc chung như dự thảo Chính phủ trình. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nên hiểu hệ thống cơ quan chuyên ngành thú ý đúng nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước về thú y, do đó cần có nhân viên thú y chuyên trách tại các cơ quan này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan chuyên ngành về thú ý các cấp.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH; dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về Đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Theo đó, Luật Tổ chức QH (sửa đổi) vừa thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các cơ quan của QH,  Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Sắp tới, QH sẽ tiếp tục xem xét, thông qua các đạo luật có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH như Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND… Do vậy, việc xây dựng Đề án nhằm rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp trong Nội quy Kỳ họp QH, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH cũng như một số Nghị quyết của UBTVQH quy định về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Đề án, song các Ủy viên UBTVQH đề nghị, trong tổ chức thực hiện Đề án không thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết, rà soát các văn bản pháp luật do QH, UBTVQH ban hành quy định về hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Việc rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi nên giao cho các cơ quan trực tiếp thi hành các văn bản pháp luật. Cụ thể, nội quy, quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH tiến hành rà soát, tổng kết. Nội quy Kỳ họp QH, nội quy, quy chế UBTVQH giao VPQH chủ trì xem xét, tổng kết. Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH giao Ban Công tác đại biểu thực hiện.

Theo Tờ trình về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, sau hơn 10 năm thực hiện các luật có liên quan đến hoạt động giám sát của QH, HĐND, giám sát của QH, HĐND đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng bộc lộ những mặt hạn chế, đòi hỏi cần ban hành đạo luật riêng về hoạt động giám sát của QH, HĐND. Luật ra đời nhằm khắc phục những hạn chế trong giám sát, tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của QH, HĐND. Đây cũng là yêu cầu của việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện khác của Đảng và đặc biệt là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với Luật tổ chức QH năm 2014. 

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc xây dựng Luật sẽ xác định một cách khoa học, hợp lý đối tượng, phạm vi và thẩm quyền giám sát cụ thể của QH, HĐND nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp, phát huy vai trò của từng chủ thể giám sát; xây dựng quy trình thực hiện giám sát phù hợp với từng hoạt động giám sát của các chủ thể, bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và chủ thể chịu sự giám sát. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH còn băn khoăn về các quy định trong dự án Luật chưa thể hiện rõ tính chất, phạm vi, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị Ban soạn thảo phải trả lời được câu hỏi: dự án Luật khi ban hành có khắc phục được tính hình thức trong hoạt động giám sát của QH, HĐND hay không? Băn khoăn về hình thức giám sát tối cao của QH, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Hiến pháp đã quy định giám sát của QH là giám sát tối cao, chỉ QH mới giám sát tối cao, song dự thảo Luật chưa làm rõ giám sát tối cao của QH khác gì so với hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước khác về phạm vi, tính chất, hiệu lực giám sát? Giám sát tối cao là giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, những cơ quan nhà nước nào chịu sự giám sát tối cao của QH phải nêu rõ trong dự thảo Luật. Đồng thời làm rõ, QH có giám sát tối cao hành vi của công chức, viên chức có chức vụ cao trong các cơ quan của Nhà nước không? Đáng lưu ý, hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH và HĐND phải đi vào thực chất, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu này, do vậy, cần bổ sung các quy định bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát, trách nhiệm thi hành của đối tượng chịu sự giám sát.

(Theo Đại biểu Nhân dân)