Tại Đà Nẵng, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan và Chi cục Kiểm lâm. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân, do có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc giải quyết tin báo, tố giác nên tỷ lệ giải quyết tin báo đạt trên 90%. Viện Kiểm sát hai cấp đã không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp 4 trường hợp, hủy bỏ quyết định tạm giữ cho 83 trường hợp; ban hành 61 kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, trả hồ sơ bổ sung 45 vụ; ban hành 37 kháng nghị phúc thẩm và được tòa án chấp nhận 15 kháng nghị; được tòa án chấp thuận 4 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm...
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, các cơ quan hữu quan Đà Nẵng đã cơ bản vận dụng chính xác các quy định pháp luật trong hoạt động tố tụng; ghi nhận các kiến nghị của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Cục Hải quan về việc hoàn thiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Công văn 234 của Tòa án nhân dân tối cao, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sư... Đoàn giám sát yêu cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật; các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân cần phối hợp chặt chẽ để bảo vệ công lý, sự công bằng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lưu ý, các cơ quan chức năng cần kỹ càng hơn trong quá trình vận dụng quy định về xác định hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm vừa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật vừa không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Tại Tiền Giang, Đoàn giám sát đã làm việc với các cơ quan tố tụng của tỉnh và cơ quan tố tụng của thành phố Mỹ Tho. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện đã phát hiện, ban hành 53 kiến nghị yêu cầu Tòa án sửa chữa những sai phạm mang tính phổ biến như: không ban hành quyết định phân công Hội thẩm nhân dân và thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; bản án không tuyên quyền kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện hợp pháp của người bị hại; vi phạm trong việc cho bị cáo hưởng án treo trong khi bị cáo đang bị khởi tố, điều tra, truy tố ở vụ án khác... Đến nay, không có trường hợp nào Viện truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Viện Kiểm sát hai cấp để xảy ra vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ dẫn đến Tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hoặc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại. Về các vụ án oan sai, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ với 5 bị can oan sai, mức độ của việc oan sai tác động đến dư luận không lớn, khi phát hiện sai sót cơ quan có trách nhiệm đã khắc phục hậu quả, được người bị làm oan chấp nhận.
Ghi nhận những nỗ lực của cơ quan tố tụng tỉnh Tiền Giang, Đoàn giám sát cho rằng, cần tiếp tục làm rõ số vụ án oan, sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Oan, sai ở đây không chỉ đối với các trường hợp kết án người không có tội thành có tội, từ tội nhẹ thành tội nặng mà còn có cả các trường hợp sai trong bỏ lọt tội phạm, từ tội nặng chuyển thành tội nhẹ. Cơ quan tố tụng Tiền Giang cần rà soát, thống kê có trường hợp cơ quan tố tụng làm sai, xét xử, đưa ra kết luận bản án chưa tương xứng với hình phạt, hành vi phạm tội hay không? Cần đánh giá chính xác tình hình áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh; nêu rõ những vướng mắc trong áp dụng pháp luật tố tụng, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.