Phát triển khoa học công nghệ: Chính sách đặc thù cần đi kèm cơ chế đặc biệt

15/02/2025

Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/2, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với các chính sách đặc thù, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt đối với hoạt động khoa học công nghệ.

Tăng trưởng 8% trở lên: Không làm không được, khó mấy cũng phải làm

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Các ý kiến cũng bày tỏ hy vọng, sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. 

Các đại biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa có tính định lượng trong khi nhiều chính sách đề xuất thí điểm lại liên quan đến lĩnh vực tài chính, đầu tư. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương bổ sung thông tin.

Cùng với đó, có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, cụ thể chỉ điều chỉnh cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với một loại hình công nghệ nhất định, không nên quy định chung chung như Điều 1 dự thảo Nghị quyết; đề nghị chỉ nên tập trung vào 03 nội dung: nguồn lực tài chính, quy trình, thủ tục và con người; ý kiến khác cho rằng, cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm là 03 nhóm chính sách rất cần thiết phải quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai quyết liệt. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nỗ lực trong thời gian ngắn để xây dựng nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Khẳng định muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước hết cần tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết 57 đi ngay vào cuộc sống. Tiếp đến, cần tiến hành sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với các chính sách đặc thù, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt. Trước hết là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng này hiện còn rất yếu. Nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế huy động nguồn từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Cùng với đó, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý, cụ thể như: đầu tư công, quản lý tư (Nhà nước đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao tư nhân quản lý); lãnh đạo công, quản trị tư (Nhà nước thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát kiểm tra, còn quản trị giao cho doanh nghiệp)… Thêm vào đó, cần có cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học và công trình khoa học thương mại hóa được. Phân cấp, phân quyền có thể đến các tỉnh, thành phố, bộ ngành, thậm chí tới các chủ thể có liên quan. Xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính để quản lý hiệu quả tổng thể.

Dự thảo mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện mới là khó và còn yếu. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện chứ không chỉ với người thiết kế chính sách, như thế mới toàn diện.

Một cơ chế đặc biệt khác được Thủ tướng Chính phủ đề cập là cơ chế thu hút nguồn nhân lực. Như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam, vào Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 7 của dự thảo Nghị quyết nội dung: ưu tiên cấp kinh phí từ Ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ. Đại biểu cho rằng, cùng với chính sách sử dụng chuyên gia, nhà khoa học, cần thiết phải ưu tiên bố trí kinh phí để đào tạo chuyên gia, thậm chí cử người đi học tập tại các nước để về phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của nước nhà cả trong giai đoạn trước mắt lẫn lâu dài.

Về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập, đại biểu cho rằng dự thảo Nghị định đã trao nhiều quyền chủ động cho các tổ chức này, nhất là chủ động xác lập tổ chức bộ máy, người đứng đầu được chủ động trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế để đảm bảo người được sử dụng, bố trí làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ công lập đáp ứng tốt yêu cầu, đạt được hiệu quả công việc, phù hợp với vị trí việc làm được sắp xếp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho biết, dự thảo Nghị quyết đã có quy định về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung: Tổ chức chủ trì được tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong trường hợp cần thiết, mức thuê chuyên gia do Tổ chức chủ trì tự quyết định và đảm bảo hiệu quả.

Đại biểu cho rằng có những lĩnh vực rất cần có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, nên khoản 1 Điều 8 cần ghi rõ là “chuyên gia trong và ngoài nước”, để có cơ sở giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục như visa, giấy phép lao động… qua đó đảm bảo huy động được nguồn lực trí tuệ phục vụ sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Hồ Hương - Phạm Thắng