Rút gọn thủ tục, ủy quyền hợp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách

13/02/2025

Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tại phiên thảo luận của tổ 8, các đại biểu bày tỏ đồng tình ủng hộ quy định về ủy quyền giải quyết vấn đề phát sinh, đồng thời đề nghị thực hiện thủ tục rút gọn để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đề cao trách nhiệm cá nhân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Nội dung của dự thảo Nghị quyết bao gồm: nguyên tắc chung, nguyên tắc cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng đảm bảo thể chế hóa để kịp thời thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; bám sát định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chỉ đạo của Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật; dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi, kiểm tra, kịp thời bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 8 nếu cần thiết để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện, hạn chế việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhiều ý kiến phát biểu cũng bày tỏ đồng tình ủng hộ quy định về giải quyết vấn đề phát sinh. Theo đó, khoản 1, Điều 13 dự thảo Nghị quyết quy định: Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, trong quá trình sắp xếp bộ máy sẽ phát sinh những vấn đề mà ngay dự thảo Nghị quyết cũng chưa bao quát, chưa lường hết được, do đó, cần thiết phải có quy định xử lý những vấn đề này. Nhấn mạnh tính cấp bách của các vấn đề phát sinh, đại biểu cho rằng việc ủy quyền như trong dự thảo Nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên, nếu ban hành theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì vẫn sẽ chậm, nên cần áp dụng thủ tục rút gọn cho việc ban hành các quy định này.

Quan tâm đến quy định tại khoản 6, Điều 4, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định: Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.

Đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề, quy định như vậy có thể chưa bao quát hết, bởi một số cơ quan sau sắp xếp sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ, nhập lại vào một cơ quan khác. Cụ thể, hiện nay không còn công an cấp huyện, lực lượng công an cấp huyện chuyển về cấp xã, vậy việc xét xử, kiểm sát các vụ việc thuộc cấp huyện sẽ như thế nào? Đại biểu đề nghị rà soát và làm rõ thêm quy định này để đảm bảo khả thi, thông suốt trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết, theo dự thảo, Nghị quyết này có thời gian thực hiện đến hết ngày 28/2/2027. Từ nay tới mốc thời gian đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Đại biểu cho biết, theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, có đến trên 150 Luật và trên 200 Nghị định phải sửa đổi, ban hành, thời gian gấp gáp đặt ra áp lực rất lớn với Chính phủ, với Trung ương. Đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết lên 3 năm, hoặc tới năm 2029 để đảm bảo công tác ban hành hệ thống văn bản pháp luật được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết cần có hiệu lực ngay để bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội, không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế, không làm ảnh hưởng đến người dân.

Hồ Hương - Phạm Thắng