THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, CHẶT CHẼ

24/05/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ; tuy nhiên cần tiếp tục rà soát về kỹ thuật lập pháp, đảm bảo tính phù hợp.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI, NHÂN VĂN

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... đề nghị tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp bởi dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ; hồ sơ đầy đủ, đảm bảo theo quy định.

Về chế độ và biện pháp cảnh vệ, đại biểu tán thành với việc tách riêng chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng cảnh vệ trong nước và khách quốc tế đến thăm Việt Nam bởi quy định như vậy là phù hợp, khoa học, thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, đại biểu đề nghị giải thích rõ hơn việc thay đổi các chế độ cảnh vệ từ luật Cảnh vệ 2017 sang các chế độ nêu trong dự thảo. Trong trường hợp cần thiết cần bổ sung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu.

Các đại biểu tại phiên họp

Đối với quy định tại khoản a, Điều 11, đại biểu đề nghị cân nhắc việc thay đổi quy định “Bảo vệ tiếp cận” (Luật Cảnh vệ 2017) thành “Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận” trong dự thảo Luật là không phù hợp bởi nội hàm “Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận” là biện pháp để thực hiện chế độ cảnh vệ “bảo vệ tiếp cận”. Khái niệm này, tại khoản 5, Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 đã nêu rõ “Bảo vệ tiếp cận là biện pháp cảnh vệ do sĩ quan cảnh vệ đảm nhiệm, được tiến hành thường xuyên, trực tiếp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống cho đối tượng cảnh vệ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Luật này”. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị giữ nguyên cụm từ như trong Luật Cảnh vệ 2017, chỉ bổ sung từ “được” cho thống nhất với kết cấu dự thảo luật sửa đổi, và viết lại thành “Được bảo vệ tiếp cận”. (Và chuyển cụm từ “Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận” sang điều 11a (Biện pháp cảnh vệ) cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đồng tình với việc bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ như nêu trong dự thảo (phù hợp với Kết luận 35 của Bộ Chính trị về danh mục, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở). Tuy nhiên, đối với đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế, quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung việc sửa đổi điểm a, khoản 2 Điều 10: “Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ” cụm từ “Tổng Bí thư/Chủ tịch Đảng cầm quyền” bởi hiện nay, Đảng ta có quan hệ với hầu hết các đảng cầm quyền và đảng chính trị lớn của các nước. Trong hệ thống chính trị của các nước có nhiều quốc gia bố trí Chủ tịch đảng/Tổng Bí thư là người đứng đầu Nhà nước, Cơ quan lập pháp. Chính phủ; nhưng cũng có quốc gia có vị trí này riêng biệt. Vì vậy để thống nhất và thuận lợi cho công tác Đối ngoại của Đảng, hạn chế việc phát sinh các thủ tục trình xin ý kiến khi có khách mời là Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng cầm quyền của nước ngoài thì cần bổ sung cụm từ này vào điểm a, khoản 2, điều 10 và đưa vào Dự thảo Luật.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh -  Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tán thành với những nội dung được nêu trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, một số điều của Luật Cảnh vệ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh -  Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Đóng góp một số ý kiến cụ thể hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu chỉ ra rằng, tại d Khoản 3, điểm b Khoản 4 Điều 11 quy định: Đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết. Đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết…Theo đại biểu, nếu quy định như thế thì trên đường có rất nhiều xe cảnh sát dẫn đường. Do vậy, trường hợp này không cần phải có xe cảnh sát dẫn đường.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận một số đại biểu cũng tán thành với quy định rằng để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài, trường hợp lực lượng Cảnh vệ không đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật mang theo thì việc phải thuê là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định này phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về cảnh vệ, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Cũng tại phiên họp tổ này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác