ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP: TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM, KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu cho biết, trong năm 2024 Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu như sau:
Đối với hoạt động xây dựng pháp luật: Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8. Đảm bảo các dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân đều được tổ chức lấy ý kiến kịp thời, chất lượng; tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý gửi về các cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng theo quy định.
Đối với hoạt động giám sát: Trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 và tình hình thực tế địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát các chuyên đề:
(1) Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
(2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.
(3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
(4) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thi hành pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trên địa bàn Tỉnh. Tham gia giám sát các báo cáo trình tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội khóa XV; các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Tham gia cùng các Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội đến làm việc tại địa phương; tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Sáu
Đối với hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Xây dựng Kế hoạch tiếp công dân của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội 2024 theo Quy chế phối hợp hoặc đột xuất. Đại biểu Quốc hội tiếp công dân thường xuyên tại nơi công tác theo quy định.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thường xuyên thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tiếp công dân, nhất là trong thời gian trước và trong các kỳ họp Quốc hội, khóa XV.
Tiếp tục theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri: Xây dựng Kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến chuyên sâu đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến một số dự thảo luật; tổng hợp, báo cáo kịp thời các ý kiến, kiến nghị cử tri theo quy định.
Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp và nghe phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội, những khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương cần kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Tiếp tục duy trì và phát triển chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri” phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.
Đối với các hoạt động khác: Đại biểu Quốc hội là ủy viên các Ủy ban của Quốc hội tham gia hoạt động của các Ủy ban theo nhiệm vụ được phân công. Tham dự Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV, tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội tổ chức; các cuộc họp có liên quan của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Tỉnh và các sở, ban, ngành Tỉnh.
Đoàn ĐBQQH tỉnh tiếp tục làm cầu nối, giữ mối liên hệ phối hợp tốt giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh trong tổ chức các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Để hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội đạt chất lượng cao hơn trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Đối với các cơ quan của Quốc hội: Kịp thời đôn đốc các cơ quan soạn thảo sớm hoàn chỉnh các dự án luật gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội, để có thời gian nghiên cứu, lựa chọn các hình thức lấy ý kiến góp ý đạt chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tính toán phân bổ thời gian tổ chức giám sát hợp lý, tránh tập trung cùng lúc vào những tháng đầu năm, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát.
Đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh: Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn Tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động giám sát, góp ý xây dựng pháp luật; tổ chức tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm hơn nữa công tác góp ý xây dựng pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực, ngành phục trách. Tăng cường cung cấp thông tin đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp luật, làm cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu, phản ánh, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét tháo gỡ kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.