CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ KHÔNG PHẢI CHỈ RIÊNG CỦA HÀ NỘI MÀ THỰC CHẤT LÀ CHO CẢ NƯỚC
Đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc tán thành với việc trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu
Góp ý các quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ Điều 35 của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết 63/2017/QH14 và Nghị quyết 115/2020/QH14 của Quốc hội, cũng như có quy định tương tự như các Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương khác như: được quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; hay như quy định điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Về tiền thu từ đất khoản 5 Điều 35 quy định: Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội. Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Đất đai thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW quy định nguồn thu đất đai phân chia nộp về ngân sách trung ương. Do đó, việc quy định “được giữ lại tối đa” như dự thảo là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách Thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó thực hiện khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô tại Điều 36, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho rằng các quy định này được kế thừa từ Nghị quyết 115/2020/QH14, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW của Trung ương nhằm tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm chặt chẽ các nội dung khi sử dụng.
Thống nhất với nhiều nội dung cơ chế chính sách được quy định trong dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng các quy định của dự thảo Luật là phù hợp, kế thừa một số quy định đang thực hiện và có tham khảo cơ chế chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh như về hỗ trợ bổ sung có mục tiêu các khoản vượt thu để tập trung đầu tư phát triển, tạo nguồn lực đầu tư công trình trọng điểm, công trình PPP.
Góp ý về các chính sách cụ thể, huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, dự thảo quy định về việc vay nợ của Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính để thực hiện các dự án đầu tư. Dự thảo Luật quy định mức vay rất rộng so với các địa phương đang được hưởng cơ chế đặc thù và không quy định trần mức vay của Hà Nội. Đại biểu cho rằng đến quốc gia còn phải xác định trần nợ công, bội chi, trong đó có của các tỉnh/thành phố thông qua quyết định của Quốc hội. Do đó, đối với Hà Nội là một thành phố lớn có nhu cầu đầu tư lớn cần tính toán, rà soát lại mức trần cụ thể, tùy thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng ngân sách địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu
Về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, dự thảo Luật đề xuất theo hướng cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập với tất cả các nhóm dự án, bao gồm cả dự án nhóm B và nhóm C. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, các nội dung này tương tự như cơ chế Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa đang được hưởng là phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng nhất trí với quy định như dự thảo Luật cho phép Hà Nội được thực hiện dự án PPP đối với lĩnh vực thể thao, văn hóa và quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, thể thao, văn hóa. Quy định này cũng tương tự như cơ chế thành phố Hồ Chí Minh đang được hưởng.
Về thẩm quyền đầu tư, Điều 43 Dự thảo Luật quy định phân cấp cho Hà Nội thực hiện quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Việc có quy định phân cấp, phân quyền cho Hà Nội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án thuộc thẩm quyền của cấp trên là phù hợp với chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, để bảo đảm hợp lý, đề nghị chỉ phân cấp cho Hà Nội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng dự án Luật đang thiếu vắng các quy định về quy hoạch và sử dụng không gian ngầm của Hà Nội. Đại biểu chỉ rõ qua giám sát và thực tiễn tại Hà Nội đã triển khai dự án như đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, cho thấy trong quá trình thực hiện, nhiều nội dung chưa có quy định. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển./.