THẢO LUẬN TỔ 13: RÀ SOÁT, BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

19/06/2023

Chiều 19/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngay sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tại Tổ 13, tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

QUẢN LÝ CHẶT CHẼ, BẢO ĐẢM THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN AN TOÀN, ỔN ĐỊNH

THẢO LUẬN TỔ 13: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CAO HƠN VÀ GIẢI QUYẾT KỊP THỜI VƯỚNG MẮC TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13

Thảo luận tại Tổ 13, gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 Chương với 92 Điều. So với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới và một số điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: Bổ sung các khái niệm mới; Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc kinh doanh bất động sản; công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; các hành vi bị cấm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trong phạm vi điều chỉnh của Luật; Bổ sung quy định về áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản;...

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành có nguyên nhân do các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản chưa phù hợp; bổ sung quy định để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; ... Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật, đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng góp ý vào nhiều quy định cụ thể liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh;  Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; Điều tiết thị trường bất động sản;...

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các tài liệu trong Hồ sơ được chuẩn bị công phu, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, một số văn bản kèm theo Hồ sơ dự án Luật như: Báo cáo đánh giá tác động chính sách mới đưa ra các giả thuyết mang tính định tính, thuyết minh còn chung chung, thiếu dẫn chứng thuyết phục Báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (2014) cơ bản tập trung vào các hạn chế, khó khăn và vướng mắc; chưa làm nổi bật được các mặt được trong quá trình thi hành; Báo cáo rà soát các quy định của pháp luật hiện hành còn khá đơn giản và chưa thật sự chi tiết mặc dù trên thực tế có khá nhiều vướng mắc, xung đột, thiếu thống nhất;...

Về điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về điều tiết thị trường bất động sản trên cơ sở tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Theo đại biểu, các quy định về điều tiết thị trường bất động sản quy định tại Điều 86 dự thảo Luật còn chung chung, không có nội hàm chính sách cụ thể, chỉ là những nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước nói chung;...

Nhấn mạnh việc điều tiết thị trường bất động sản theo quy định tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định chỉ là những giải pháp can thiệp mang tính chất tình thế; đại biểu tỉnh Lạng Sơn lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm phát triển và quản lý thị trường bất động sản.

Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Chu Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh đảm bảo thống nhất, chặt chẽ. Làm rõ đề xuất này, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hoạt động kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản phải đáp ứng đầy đủ bản chất, nội hàm của hoạt động kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, phù hợp với khái niệm về kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10 có bản chất, nội hàm hoàn toàn khác với hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân có ngành nghề kinh doanh bất động sản, hiện đang thực hiện ổn định trong thực tế và được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự và các Luật chuyên ngành.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định rõ các trường hợp tại khoản 3 Điều 10 không phải tuân thủ điều kiện về bất động sản, dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn khái niệm “kinh doanh bất động sản” tại khoản 1 Điều 3 để phân biệt rõ ràng giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk 

Liên quan đến quy định về sàn giao  dịch bất động sản, đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân. Do đó, đại biểu đề nghị tại dự thảo Luật  không nên quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản như tại khoản 1 Điều 57, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, cần quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn đề nghị: Bỏ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật vì đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đề nghị quy định rõ hơn, bao quát các loại công trình xây dựng được tạo lập nhằm mục đích đưa vào kinh doanh, để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết bất động sản đưa vào kinh doanh; Nghiên cứu bổ sung quy định trường hợp đặt cọc nhằm bảo đảm ký kết hợp đồng, mức đặt cọc tối đa và xác định thời điểm thực hiện;…/.

Lê Anh

Các bài viết khác