ĐOÀN ĐBQH TỈNH HOÀ BÌNH: KIÊN ĐỊNH THỰC HIỆN TỐT 4 NỘI DUNG ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

20/01/2023

Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, hiệu quả, thực chất với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Để đáp ứng các yêu cầu hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình đã xác định rõ 4 nội dung hướng tới trong năm 2023.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUÓC HỘI GIAO PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH CHUYÊN TRÁCH PHỤ TRÁCH ĐOÀN ĐBQH KHOÁ XV TỈNH HOÀ BÌNH

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022 CỦA QUỐC HỘI: TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN CẢ VỀ NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM VÀ HÀNH ĐỘNG

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC: KHẨN TRƯƠNG PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, hiệu quả, thực chất với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, ông Hoàng Đức Chính - Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho biết, trên tinh thần phát huy trí tuệ tập thể, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xác định rõ 4 nội dung trọng tâm hướng tới trong năm 2023

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình

Phóng viên: Triển khai Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, theo kế hoạch Đoàn Giám sát của Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tại 11 bộ, ngành liên quan và 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu có đánh giá như thế nào về quy mô, tính đại diện vùng miền khi lựa chọn các đơn vị, địa phương tiến hành giám sát?

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm 2023 về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” là một trong những nội dung giám sát được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt là cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là chuyên đề giám sát có quy mô rộng, khối lượng công việc lớn, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân, đồng thời đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả giám sát sẽ là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và nhất là các địa phương thực hiện có hiệu quả hơn việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

 Ông Hoàng Đức Chính phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 14/10/2022

Việc lựa chọn giám sát trực tiếp tại 11 bộ, ngành liên quan và 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo tính đại diện theo vùng miền và mức độ thụ hưởng của các Chương trình mục tiêu quốc gia có tính điển hình; đáp ứng được mục đích của Đoàn Giám sát là: Đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan của những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc Đoàn Giám sát xây dựng các dự thảo đề cương cho từng đối tượng với các yêu cầu về nội dung, mức độ đánh giá khác nhau, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của từng cơ quan đã làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương và đánh giá khách quan, toàn diện hơn.

Phóng viên: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri và thực tế từ hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, trong thời gian qua tại địa phương, xin đại biểu cho biết một số kết quả bước đầu 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại? Và đâu là những vướng mắc, bất cập về mặt cơ chế, chính sách tại địa phương cần sớm được tháo gỡ?

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Trong thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hòa Bình đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình được kiện toàn, thành lập theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương, đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện.

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình

Trong quá trình triển khai thực hiện từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đều được tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện đảm bảo về mặt thời gian, đầy đủ nội dung và đúng theo hướng dẫn của Trung ương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 về việc giao Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và chỉ đạo các sở, ngành liên quan các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ vốn.

Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do tỉnh quản lý là 1.438.168 triệu đồng (trong đó: nguồn ngân sách trung ương là 1.430.462 triệu đồng, nguồn ngân sách tỉnh là 7.706 triệu đồng); kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do tỉnh quản lý là 305.798 triệu đồng (trong đó: nguồn ngân sách trung ương là 296.971 triệu đồng; nguồn ngân sách tỉnh là 8.827 triệu đồng); kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do tỉnh quản lý là 694.190 triệu đồng (trong đó: Nguồn ngân sách trung ương là 495.850 triệu đồng; Nguồn ngân sách tỉnh là 198.340 triệu đồng).

Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình thực hiện giám sát tại huyện Lạc Sơn 

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đa số cử tri và Nhân dân bày tỏ sự hài lòng và thống nhất cao về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan được giao phụ trách các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã chủ động triển khai theo lĩnh vực phụ trách, đảm bảo về thời gian và phát huy dân chủ ở cơ sở thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trong quá triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp một số khó khăn vướng mắc cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, như: Dự toán năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia được Trung ương giao muộn gây ảnh hưởng đến việc giao chi tiết và thực hiện kế hoạch vốn tại địa phương. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố được giao vốn đầu tư phát triển vào ngày 29/6/2022 và vốn sự nghiệp vào ngày 31/8/2022; mặc dù tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách trung ương năm 2022 của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết ngày 31/12/2023, tuy nhiên áp lực về giải ngân vốn là rất lớn (vì thực tế trong năm 2023 phải giải ngân vốn của cả 3 năm 2021, 2022 và 2023). Công tác phối hợp tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ có những việc còn chậm, nhiều nội dung phải tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, mất nhiều thời gian, nhất là trong việc xây dựng cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Thượng tướng Trần Quang phương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 19/12/2022

Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được áp dụng theo cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chung tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì Bộ Tài chính giao tổng vốn sự nghiệp trong năm cho tỉnh chủ động phân bổ chi tiết để triển khai thực hiện. Nhưng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì Bộ Tài chính lại giao chi tiết đến từng dự án và nội dung chi. Vì vậy các địa phương rất khó cân đối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình theo nhu cầu sử dụng kinh phí hằng năm.

Phóng viên: Thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được nâng cao, hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành. Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và của Đại biểu Quốc hội cũng cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới?

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Trước hết, xác định việc tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội cần phải chú trọng một số nội dung cụ thể như sau:

Một là, xây dựng Chương trình giám sát thật khoa học, bám sát vào tình hình thực tiễn, cân đối thời gian giám sát hợp lý để có đủ thời gian, nhân lực thực hiện. Chủ động phối hợp với các Đoàn Giám sát của các cơ quan của Quốc hội, với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm tránh sự chồng chéo.

Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác khảo sát, giám sát, tổ khảo sát, giám sát đảm bảo bảo gọn nhẹ, khoa học, hiệu quả, tránh gây phiền hà ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự khảo sát, giám sát.

Ba là, chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện.

Bốn là, trong báo cáo kết quả giám sát cần có tiêu chí rõ ràng về mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phóng viên: Nhân dịp đầu Xuân năm mới, với vai trò là đại biểu dân cử, Đại biểu có gửi gắm điều gì đến cử tri, Nhân dân tỉnh Hoà Bình nói riêng và cả nước nói chung?

Ông Hoàng Đức Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Nhân dịp đầu Xuân năm mới 2023 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão, trong không khí vui tươi, phấn khởi, tôi xin gửi tới cử tri cả nước nói chung và cử tri, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình nói riêng lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Bước vào năm mới 2023, với vai trò là đại biểu dân cử, tôi cũng như các đại biểu Quốc hội trong Đoàn xin hứa sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tín nhiệm giao phó, thực sự là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội. Đồng thời mong muốn tiếp tục được đón nhận, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước nói chung và cử tri, Nhân dân đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Một lần nữa, xin kính chúc cử tri và Nhân dân một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông! Nhân dịp đầu xuân Năm mới, kính chúc Ông cùng thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh sức khoẻ và tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trước cử tri cùng Nhân dân tỉnh Hoà Bình.

Lan Hương - Phong Anh