THẢO LUẬN TỔ 11: CẦN CỤ THỂ HÓA NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀO QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

06/01/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 06/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ 11 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hoá, Cà Mau.

QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO

TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Toàn cảnh phiên thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nhận thấy Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình số 506 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Nội dung Báo cáo quy hoạchcơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.

Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nêu rõ, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã quy định rõ những chỉ tiêu lớn, quan trọng về việc phát triển đô thị. Do đó cần cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào Quy hoạch tổng thể quốc gia để các địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Về định hướng sử dụng đất, đại biểu cho rằng cần tập trung quản lý chặt chẽ ba loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa và đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác. Qua nghiên cứu, đại biểu chỉ ra rằng trong báo cáo chưa nhắc đến đất là tư liệu sản xuất. Trong tất cả các nền kinh tế, đất đai phải là tư liệu sản xuất, vừa là nơi tạo ra việc làm, xây dựng các công xưởng, nhà máy và là nơi nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó cần nêu rõ định hướng, quan điểm sử dụng đất trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Theo đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm xây dựng. Đại biểu cho rằng việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải việc làm phổ biến, đa số các quốc gia trên thế giới chỉ có định hướng về mục tiêu dài hạn. Do đó cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng để tránh việc đặt ra mục tiêu, giới hạn thời gian nhưng không đạt được.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tên gọi bởi Luật định ra phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng phải đặt trong mối quan hệ là khái niệm Quốc gia với tư cách là một chủ thể quan hệ Luật Quốc tế và với tư cách là một chủ thể trong nhận thức của mọi người liên quan đến khái niệm về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử;... Trong Luật Quốc tế, quốc gia có bốn yếu tố cấu thành gồm dấu hiệu lãnh thổ, dấu hiệu chính quyền, dấu hiệu dân cư và sinh sống liên tục, năng lực tham gia quan hệ quốc tế. Do đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đề cập đến bốn yếu tố trên. Tuy nhiên, trong tên gọi lại xác định chủ yếu về kinh tế - xã hội, đây chỉ là một khía cạnh trong khái niệm quốc gia. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải cân nhắc chính xác về khái niệm để có nền tảng về nhận thức cũng như chính trị, pháp lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Vùng động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là vùng có rất nhiều làng nghề phát triển do đó cần có định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch ở vùng động lực này. Cơ bản thống nhất với phương hướng phân bổ không gian hệ thống du lịch quốc gia, tuy nhiên đại biểu chỉ ra rằng việc quy hoạch xác định các khu vực động lực phát triển du lịch chưa rõ, còn rất chung chung. Vì vậy phải xác định cụ thể khu vực động lực phát triển du lịch.

Đối với định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Mai Văn Hải nêu rõ, nội dung định hướng sử dụng đất quốc gia đưa ra định hướng đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đảm bảo quỹ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng; mở rộng diện tích đất khu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đất Khu công nghiệp, đất giao thông, vì vậy phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngoài việc định hướng, sử dụng đất cho 8 lĩnh vực: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, cơ sở hạ tầng; Quốc phòng, an ninh, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị bổ sung thêm định hướng cho việc sử dụng đất đối với Khu công nghệ cao mà quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã xác định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang nêu rõ, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là một việc chưa có tiền lệ, rất mới, rất khó; chuyện phân định giữa nội dung, nội hàm của quy hoạch quốc gia để không chồng lấn với những quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch địa phương cũng chưa có tiền lệ nên cũng có những khó khăn nhất định. Đây chủ yếu là những nội dung liên quan tới phân bổ không gian, phân bố lãnh thổ nên cách chia chủ yếu là phân bổ theo hành chính, phân sáu vùng và có bốn vùng động lực phát triển, phân theo các hành lang kinh tế để xây dựng dựa trên những đặc thù, thế mạnh.

Về nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục chỉ ra rằng phần đánh giá, nhận định, phân tích để rút ra những nguyên tắc, dự báo thì nhiều phần chưa có; kết cấu và bố cục chưa có sự đồng nhất, không có sự nhất quán và nguyên tắc chung. Đơn cử như vấn đề về giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có vùng đề cập đến và có vùng không đề cập; mỗi vùng lại có cách viết khác nhau,… qua đó thể hiện sự thiếu nhất quán, đồng nhất. Quy hoạch là vấn đề rất quan trọng, nhất là quy hoạch quốc gia bởi đây là đưa ra nguyên tắc chung để có cơ sở cho các quy hoạch ngành, quy hoạch cụ thể,…tiếp tục phát triển về lĩnh vực đó. Các địa phương cũng sẽ dựa theo nguyên tắc chung để hoàn chỉnh những quy hoạch trên từng địa bàn. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, quy hoạch quốc gia là nền tảng cho các quy hoạch khác, do đó nền tảng càng tốt, càng vững chắc, chặt chẽ thì chất lượng các quy hoạch khác sẽ tốt hơn.

Đại biểu Lại Thế Nguyên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Mặt khác, đại biểu Lại Thế Nguyên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết trong dự thảo có quy định mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, do đó đề nghị nên mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực đường Hồ Chí Minh mà tương lai là cao tốc phía Tây nhằm giảm sức ép sử dụng đất cho khu vực đồng bằng, tạo và mở rộng không gian, động lực phát triển cho khu vực trung du, miền núi hiện nay. Về định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia trong định hướng quy hoạch vùng động lực phía Bắc, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bởi Nghị quyết trên đã xác định Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới phía Bắc của Tổ quốc; trong hành lang kinh tế Đông Tây phía Bắc nên có thêm một hành lang nữa là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia;…

Ngoài ra, các đại biểu thuộc Tổ 11 cũng thảo luận về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược./.

Minh Thành