Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 02. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.
Tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết điều hành nội dung thảo luận.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Quốc hội có nghiên cứu sự hợp nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với dự thảo Luật này để không bỏ sót các trường hợp trong thực tiễn phát sinh, tránh khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu rà soát lại các trường hợp có đất công mà địa phương thấy đủ điều kiện để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Dự thảo Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Đất đai chưa quy định cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhiều mục đích trên khu đất công: mục đích kinh doanh, mục đích công cộng, ví dụ như bố trí một phần dự án để làm bến xe buýt.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, hiện nay không có cơ sở để xác định thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hay đánh giá, do đó đề nghị cần có nghiên cứu quy định về trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Luật Đất đai và thủ tục đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu để triển khai các nội dung trên.
Về một số nội dung của dự thảo liên quan đến Luật Đầu tư, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa hai luật và cần lấy ý kiến thêm của các tỉnh để không bỏ sót các trường hợp và không gây mâu thuẫn khi đã ban hành.
Dự thảo Luật lần này bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu. Mặc dù việc mở rộng chỉ định thầu có thể góp phần rút ngắn thời gian đấu thầu, nhưng về lâu dài không tạo ra tính cạnh tranh công bằng, minh bạch của thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chỉ định thầu trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách.
Về hình thức mua sắm trực tiếp, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị giữ nguyên như quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 để tạo sự chủ động, kịp thời trong việc mua sắm, bổ sung hàng hóa, đặc biệt là mua thuốc, vật tư y tế. Đồng thời tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cố tình áp đơn giá cao hơn trong mua sắm trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo có một chương riêng về đấu thầu y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này.
Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu thuốc, gặp khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề nghị Ban soạn thảo có một chương riêng về đấu thầu y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này.
Hiện Dự thảo Luật lần này chỉ quy định đấu thầu về thuốc rõ ràng, còn 2 vấn đề lớn của ngành y là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế thì dự thảo chưa quy định rõ nội dung này.
Vật tư y tế tiêu hao gồm các thiết bị sử dụng kèm theo các máy móc như máy siêu âm, máy thở, máy CT…; và vật tư y tế tiêu hao sử dụng cho người bệnh như kim tiêm, găng tay, máy tạo nhiệt, sten… Đại biểu Nguyễn Trí Thức nêu rõ, ngân sách tài chính chi trả cho vật tư y tế tiêu hao rất lớn, gồm nhiều vât tư hiện đại. Vật tư y tế tiêu hao mang tính chất độc quyền cao, do đó đề nghị cần có quy định rõ về đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao.
Liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế như mua sắm các máy móc lớn như máy CT, máy MRI, máy xạ trị, máy siêu âm hoặc máy thở … Đại biểu Nguyễn Trí Thức cho rằng, nhân dịp Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này thì cần đưa ra một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế gồm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế để kịp thời giải quyết các tình huống khó khăn trong ngành y tế thời gian qua.
Ngoài ra, dự thảo Điều 4 khoản 26 đinh nghĩa về hàng hóa, đại biểu Nguyễn Trí Thức đề nghị tách đinh nghĩa về “hàng hóa y tế” riêng, không chung với định nghĩa hàng hóa thông thường, vì đây là là hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người bệnh.
Đại biểu cũng cho rằng, hình thức dễ sinh ra tiêu cực nhất là hình thức chỉ định thầu, do đó cần quy định việc chỉ định thầu càng chi tiết càng tốt. Ví dụ Điều 19 khoản b, đề nghị Ban soạn thảo thêm “tình huống cấp bách”, giải thích như thế nào là “sự cố bất khả kháng”, như thế nào là “cấp cứu”, và quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định này là cấp cứu phải mua ngay để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá.
Đồng tình với kiến nghị của đại biểu Nguyễn Trí Thức cần một chương riêng về đấu thầu trong mua sắm vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá. Đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả đấu thầu, trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng.
Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định đấu thầu thuốc phải xây dựng giá kế hoạch, không được lấy giá trúng thầu năm nay làm giá kế hoạch năm sau, phải có căn cứ nghiên cứu dựa trên giá thị trường như thế nào, chỉ số trượt giá cũng như các yếu tố tác động để tránh tình trạng chỉ có thuốc rất rẻ mới tham gia đấu thầu được.
Đối với vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là những thứ không thể thiếu của bệnh viện và liên quan đến sinh mạng của người dân nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Do vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất, và đấu thầu không thể tránh được tiêu cực nên cần cân nhắc yếu tố lợi - hại như thế nào và cần những cơ chế ràng buộc trong việc tự chủ bệnh viện.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và cho rằng sau gần 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời sửa đổi, cụ thể: (1) Vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh; (2) Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng đã và đang cản trở hoạt động trong một số lĩnh vực; (3) Tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Do đó, Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi)./.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 02:
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 02.
Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 02.
Đại biểu Dương Ngọc Hải đồng quan điểm với các đại biểu và cho rằng, lĩnh vực mua sắm vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế rất phức tạp, cần có một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu Đặng Văn Lẫm nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cần đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với các luật liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng góp ý vào Luật Giá (sửa đổi) và cho rằng, so với luật hiện hành, dự thảo Luật còn chung chung, chưa cụ thể, cần quy định rõ hơn nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng trên thị trường.
Các đại biểu tham dự thảo luận tại Tổ 02.