THẢO LUẬN TỔ 01: TIẾP TỤC CỤ THỂ HÓA ĐẦY ĐỦ NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

03/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 3/11, Tổ 1 – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Đa số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật rất cần thiết nhưng cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW để phát phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất.

10 ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

THẢO LUẬN TỔ 01: ĐẠI BIỂU ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ KHÁI NIỆM ''NGƯỜI TIÊU DÙNG, QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG''

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao sự cần thiết sửa đổi luật, đặc biệt vào thời điểm Trung ương vừa tổng kết chính sách pháp luật về đất đai và ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW . Đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã tập trung công sức, nhân lực gấp rút hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Việc sửa đổi luật cũng nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều cơ quan ở trung ương, địa phương, các chuyên gia tại các hội nghị, hội thảo tham vấn lấy ý kiến đối tượng liên quan về dự thảo luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là bước ngoặt, là đột phá về tư duy quản lý chuyển từ dùng biện pháp quản lý hành chính sang kinh tế thị trường, điển hình là bỏ khung giá đất chuyển sang xây dựng bảng giá sát với thị trường, nhờ vậy giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ giải quyết tình trạng tham nhũng đất đai, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài. Về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và cụ thể hóa cơ bản chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW để phát phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đối với kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; cũng như đánh giá kỹ tác động đối với các chính sách trong dự thảo luật, đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành và các công ước quốc tế.

Góp ý về quy định về thu hồi đất, hiện có hai phương thức thu hồi đất là nhà nước ra quyết định thu hồi và người sử dụng đất như chủ đầu tư, doanh nghiệp có dự án mua đất và nhà nước ra quyết định công nhận thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản vẫn quy định hai hình thức này. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp, bởi nếu để nhà đầu tư và người dân tự thỏa thuận giá đất thu hồi, về hình thức có vẻ dân chủ, đảm bảo lợi ích của người dân, nhưng khó khả thi bởi sẽ có sự so sánh về giá đất trong cùng một khu vực do nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh và giá do chủ đầu tư thỏa thuận với người dân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị tất cả đất đai thuộc diện nhà nước quyết định có phương án đầu tư đều phải đưa vào thu hồi theo Điều 86 của dự thảo luật; còn việc tự thỏa thuận chỉ thực hiện trong trường hợp đóng góp đất thành cổ phần hoặc tự thỏa thuận, tự chuyển dịch điều chỉnh đất đai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Một số ý kiến tại phiên thảo luận tổ cũng đồng tình với quy định về tài chính đất đai, theo đó, đồng tình cần quy định rõ giá đất phải phù hợp với giá trị thị trường, thay vì quy định là phù hợp với giá thị trường như quy định trong luật hiện hành. Việc dùng các công cụ định giá để định giá trị thị trường đất đai và cơ quan quản lý nhà nước công bố là phù hợp, đặc biệt là quy định về sự độc lập của 3 cơ quan: cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá (Hội đồng Thẩm định giá) và cơ quan quyết định giá (Ủy ban nhân dân). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ vai trò của cơ quan thẩm định giá, vì vậy cần làm rõ, nhấn mạnh vai trò lựa chọn giá của Hội đồng Thẩm định giá.

Nêu thực tế qua hoạt động xét xử của ngành tòa án, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn các vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai, trong đó nguyên nhân cơ bản, cốt lõi là luật hiện hành chưa phù hợp do cơ chế giá, cơ chế quản lý, nhận thức người dân. Đó là quy định giá bồi bồi thường thấp, không phù hợp với thực tiễn; có sự chênh lệch giá giữa thành phố và nông thôn; chênh lệch giá cao giữa thành phố và các tỉnh lân cận cao… dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước chưa có phương thức, quy trình cụ thể, thống nhất, minh bạch, công khai về thu hồi đất đai, nên nhận thức của người dân khống đúng; việc cấp, thu hồi sổ đỏ đất đai vẫn còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài; các quyết định hành chính của nhà nước về thu hồi đất chưa hiệu quả, phù hợp, có tình trạng để hoang hóa đất đai; công tác giải quyết vấn đề về mốc giới, thừa kế còn bất cập, chưa rõ ràng…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, có một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Theo đó, tại khoản 2 Điều 97 dự thảo quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Nếu quy định như vậy sẽ không giải quyết được những vướng mắc hiện hành, rất khó để làm rõ “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị sửa theo hướng “bố trí đảm bảo điều kiện cho phù hợp, thỏa đáng”.

Tương tự, quy định về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó nêu: Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Theo quan điểm của đại biểu, rất khó để xác định “bằng giá trị xây dựng mới”…

Cũng tại phiên thảo luận, các ý kiến đã góp ý về các quy định phân cấp, phân quyền về đất đai; giao đất nông nghiệp; việc sử dụng công trình ngầm, công trình trên không gắn liền với đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đất đa mục đích; thu hồi đất di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội điều hành nội dung thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định về áp dụng pháp luật, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Việt Anh, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu các quy định về thu hồi đất di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn các vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai.

Các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến  giao đất nông nghiệp; việc sử dụng công trình ngầm, công trình trên không gắn liền với đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đất đa mục đích...

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác