THẢO LUẬN TỔ 5: VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CÒN CHẬM
Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 5
Thảo luận tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trên thực tế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Đặc biệt, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu rõ, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, chi phối toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội và quốc phòng, an ninh. Có thể nói, Luật Đất đai chỉ đứng sau Hiến pháp và Bộ Luật Tố tụng dân sự. Lần sửa đổi luật này, đại biểu mong muốn sửa đổi một cách toàn diện, căn cơ nhất, đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc để luật đi vào cuộc sống, tạo động lực mới, nguồn lực mới cho đất nước; đảm bảo cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an dân.
Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần xem xét lại nội dung “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất” bởi quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ, khoanh vùng đất theo không gian cho việc sử dụng, cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Quan tâm tới vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Chá A Của – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nêu rõ, tại Điều 85 dự thảo luật được xây dựng trên tinh thần Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng liệt kê hai trường hợp Nhà nước về đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Sự liệt kê này dẫn đến sự trùng lặp, thể hiện thiếu sự thống nhất, đồng bộ với các quy định khác và sự áp dụng nhầm lẫn giữa các thẩm quyền. Cùng với đó quy định lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định tại khoản 3, Điều 39 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không có sự thay đổi so luật với hiện hành. Tuy nhiên, quy định này có sự hạn chế về việc lấy ý kiến nhân dân nên khi luật được thông qua phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Hà Tĩnh
Liên quan tới sự chồng chéo giữa các luật, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, Chính phủ đã chỉ ra có 22 luật xung đột với Luật Đất đai. Tuy nhiên, vấn đề xử lý sự chồng chéo vẫn chưa nguyên nhân và chưa thống nhất trong quan điểm. Theo đại biểu, sau khi quy hoạch đất quốc gia thì Luật Đất đai là luật gốc bởi có ảnh hưởng đến các điều chỉnh quy hoạch sau này. Do đó, các luật khác có thể linh hoạt để điều chỉnh theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và quy định trong Luật Đất đai để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.
Liên quan đến tài chính đất đai, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ nói đến tài chính là nói đến mối quan hệ thu chi, tuy nhiên, trong dự thảo luật chủ yếu quy định các khoản thu, các khoản hình thành từ quỹ đất, nguồn đất còn các khoản chi phân bổ thì chưa quy định rõ. Đại biểu cho rằng, điều tiết nguồn thu từ đất đai cũng phải dựa trên nguyên tắc các khoản chi nào, điều tiết nào được phân bổ, không thể giao khoán toàn bộ khoản điều tiết này theo văn bản khác mà trong đó luật thì không nói rõ. Do đó cần phải quy định về nguyên tắc và các khoản thu chi này để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa và việc bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”./.