ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÀO CAI TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT TẠI ĐỊA PHƯƠNG

02/08/2022

Thời gian gần đây, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đã tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thông qua công tác này, Đoàn ĐBQH tỉnh trực tiếp xử lý và yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.


Thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, đầu năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch, quyết định giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là nội dung lớn, có tính chất bao trùm nên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tập trung giám sát toàn diện việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước với các khâu như lập, thẩm định, thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước trong đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn, sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho các cơ quan, tổ chức. Giám sát sử dụng tài sản của Nhà nước, việc mua sắm, sử dụng phương tiện công; quản lý trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng, sử dụng kết cấu hạ tầng quốc gia, việc cho thuê tài sản công. Ngoài ra còn giám sát nội dung quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thực hiện giám sát chuyên đề tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Thông qua giám sát, ngoài các điểm tích cực, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các ngành, đơn vị, địa phương. Đánh giá nguyên nhân, rà soát, đối chiếu với các quy định trên thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, kiến nghị với Quốc hội về sự cần thiết trong điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số luật có liên quan như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các quy định khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cũng cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nên đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện giám sát theo ngành, lĩnh vực thay vì giám sát toàn diện như hiện nay; việc thành lập ban chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các cấp với sự gắn chặt với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai kiến nghị với Chính phủ một số nội dung liên quan đến chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kiến nghị một số điểm với UBND, HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về thực hiện chính sách này trên địa bàn.

Trung tuần tháng 3/2022, theo yêu cầu của Quốc hội, sau 2 tuần khảo sát, đánh giá tại 19 đơn vị, địa phương trong tỉnh, Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có báo cáo kết quả khảo sát về tình hình triển khai danh mục chuẩn bị đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Thông qua đợt khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ rõ những hạn chế tại các ngành, đơn vị, địa phương với những đánh giá trên cả yếu tố khách quan và nguyên nhân chủ quan như chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021 nhưng do cơ quan Trung ương, các bộ, ngành chậm ban hành chính sách thực hiện đã ảnh hưởng tiến độ của địa phương. Việc rà soát, lập danh mục chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở một số địa phương chưa sâu, thiếu nghiên cứu kỹ về nội dung các nghị quyết của Quốc hội và quy định của Chính phủ, văn bản của tỉnh. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng của các địa phương, nhất là huyện nghèo, chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ tình hình trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND tỉnh trong triển khai đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều cuộc khảo sát, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai trong thời gian qua. Nhiệm kỳ khóa XIV (2016 - 2021), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tiến hành 42 cuộc giám sát và khảo sát, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (tháng 6/2021) đến nay, đã tiến hành 8 cuộc khảo sát, giám sát tại địa phương, trong đó có 4 cuộc giám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 2 cuộc khảo sát theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và 2 cuộc giám sát, khảo sát theo chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai còn tham gia 4 đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đến làm việc tại các địa phương.

Theo đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời gian qua luôn có sự đổi mới về nội dung, việc phân công nhiệm vụ đối với từng đại biểu Quốc hội và thành viên Đoàn giám sát. Các cuộc giám sát, khảo sát luôn bám sát chương trình, kế hoạch, nội dung yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sát với thực tế địa phương. Qua khảo sát, giám sát, các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương giải quyết, tháo gỡ các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và mời chuyên gia các ngành tham gia để việc đánh giá mang tính chuyên sâu, khách quan kết quả giám sát, khảo sát.   

(Theo Báo điện tử Lào Cai)