Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị.
Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bổ sung nhiều điểm mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Cần có quy định “mở” tạo sự linh hoạt, chủ động lựa chọn hình thức thể hiện, nội dung công khai phù hợp với đặc trưng của vùng, địa phương; tập trung xây dựng chính quyền số công khai, tương tác với tổ chức, công dân bằng hình thức số hóa; nên bổ sung quyền hạn và tăng kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân để phát huy vai trò dân chủ ở cơ sở; việc thu các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện cần quy định do dân tự nguyện đóng góp; nên quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với từng loại hình DN; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở…