THẢO LUẬN TỔ 16: ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA BẠO LỰC GIA ĐÌNH

31/05/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại Tổ 16 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Bạc Liêu, Quảng Nam, Bình Phước, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đồng thời, đề nghị nghiên cứu đảm bảo tính khả thi của các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình,...

 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể Tổ 12

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành, xây dựng mới hoàn toàn 17 điều, bỏ 3 điều, so với Luật hiện hành tăng 16 điều, tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thảo luận tại Tổ, đa số đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Theo ý kiến đại biểu, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của một số biện pháp như: Biện pháp tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình;...

Cho ý kiến về những quy định cụ thể tại dự thảo Luật, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, đối với quy định về xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 28), tại Khoản 1 bổ sung cụm từ “nơi xảy ra bạo lực gia đinh” sau cụm từ “cấp xã” và viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo theo quy định tại điểm a,b,c,d, đ khoản 2 Điều 27 Luật này khi nhận tin báo tố giác về vụ việc bạo lực gia đình phải chuyển ngay tin báo, tố giác cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình…”.

Ngoài ra, đối với quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Điều 58), đại biểu đề nghị xem xét chỉ nên quy định 01 điều về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là đủ, không nên quy định riêng về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nếu có quy định về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ thì phải bổ sung quy định trách nhiệm của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, tại Khoản 1, Điều 20 quy định về hòa giải trong bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định chưa đầy đủ các hình thức hòa giải trên thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ và bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác .

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, cần có chương riêng quy định về việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cùng với đó phải có chế tài xử lý nghiêm hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung: quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của công an cấp xã; Rà soát bảo đảm tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên;…

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua thảo luận, đa số ý kiến đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, … Bên cạnh đó, ý kiến đại biểu cũng cơ bản đồng tình với tên gọi cũng như bố cục, phạm vi và nhiều nội dung được quy định tại dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi cao sau khi được thông qua, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật để thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; cân nhắc, sử dụng thống nhất một số thuật ngữ trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, một số ý kiến còn đề nghị: bổ sung nội dung công khai thông tin phải đầy đủ; hình thức công khai phải thực chất, dễ tiếp cận; làm rõ thêm các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân;…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 16:

Toàn cảnh phiên họp toàn thể Tổ 12 về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật này là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

D

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, tại Khoản 1, Điều 20 quy định về hòa giải trong bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định chưa đầy đủ các hình thức hòa giải trên thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ và bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác .

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân

Đại biểu Bế Minh Đức bày tỏ quan điểm tán thành sự cần thiết ban hành cũng như tên gọi, phạm vi và bố cục của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung công khai thông tin phải đầy đủ; hình thức công khai phải thực chất, dễ tiếp cận; làm rõ thêm các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân;…

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị, đối với quy định về xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 28), tại Khoản 1 bổ sung cụm từ “nơi xảy ra bạo lực gia đình” sau cụm từ “cấp xã” và viết lại như sau: “Tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo theo quy định tại điểm a,b,c,d, đ khoản 2 Điều 27 Luật này khi nhận tin báo tố giác về vụ việc bạo lực gia đình phải chuyển ngay tin báo, tố giác cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình…”.

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn DDBQH tỉnh Quảng Nam nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để đảm bảo Luật sau khi ban hành có tính khả thi cao, đại biểu góp ý vào nhiều điều, khoản cụ thể cũng như kỹ thuật lập pháp,...

Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham dự phiên họp Tổ thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác