Ảnh minh hoạ
Trả lời kiến nghị của cử tri thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, Bộ Quốc phòng nêu rõ, tại Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan đã quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Cụ thể, cấp úy: nam, nữ 46; Thiếu tá: nam, nữ 48; Trung tá: nam, nữ 51; Thượng tá: nam, nữ 54; Đại tá: nam 57, nữ 55; cấp tướng: nam 60, nữ 55. Bên cạnh đó, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 05 năm, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn. Đối với sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị thì hạn tuổi cao nhất do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm.
Theo Bộ Quốc phòng, quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan xuất phát từ một số cơ sở. Cụ thể: Thứ nhất xuất phát từ “Tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt” đã được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014. Đây là chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho Quân đội. Vì vậy, quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan phải phù hợp với ngành lao động đặc biệt theo quy định riêng của luật chuyên ngành và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chuyên ngành.
Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội và đội ngũ sĩ quan: Nhìn chung sĩ quan phải thường xuyên ở lại đơn vị để chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu cùng hạ sĩ quan, binh sĩ; nhiều khi phải hoạt động liên tục dài ngày trong mọi điều kiện khó khăn, gian khổ, vùng núi cao hiểm trở, biển đảo, vùng có khí hậu khắc nghiệt, trong tàu ngầm, máy bay phản lực, kho vũ khí, đạn dược độc hại, nguy hiểm...; vì vậy, sĩ quan phải có đủ sức khỏe để đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ; hơn nữa từ khi nhập ngũ đến khi thôi phục vụ tại ngũ, đại đa số sĩ quan phải sống xa gia đình, nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống.
Thứ ba, xuất phát từ cơ cấu tổ chức của Quân đội: Khoản 1 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan, từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến Trung đội trưởng. Vì vậy, đối với sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị thời gian giữ mỗi chức vụ chỉ ổn định được một thời gian nhất định phải thay đổi để trẻ hóa cán bộ, hạn chế tình trạng ùn tắc ở cấp chức trên, thiếu hụt cấp chức dưới; đồng thời không ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ sĩ quan. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho sĩ quan và để bảo đảm chất lượng, cân đối về số lượng cán bộ giữa các cấp, chức nên độ tuổi cũng phải được giãn cách hợp lý, bảo đảm sự phát triển của sĩ quan trong các cơ quan, đơn vị.
Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 1958, 1981, 1990 đến năm 1999 nhà nước ta đã xâỵ dựng Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật; trong đó, về cơ bản tuổi nghỉ hưu của sĩ quan luôn thấp hơn tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của Bộ luật Lao động. Quá trình thực hiện chế độ nghỉ hưu của sĩ quan theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam những năm qua không có vướng mắc. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang trong quá trình triển khai thực hiện chấn chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; sau khi ổn định tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp./.