TẬP TRUNG THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA LUẬT CƯ TRÚ ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN TIỆN TRONG TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

22/12/2022

Tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật "Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, trọng tâm là trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai", các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong thực hiện Luật, tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn về tiến độ rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, việc tạo lập và kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu và đề nghị các cơ quan có giải trình làm rõ.

PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA LUẬT CƯ TRÚ VỀ HẠN CHẾ XUẤT TRÌNH GIẤY TỜ, SỬ DỤNG THÔNG TIN NƠI CƯ TRÚ ĐỂ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên giải trình

Tích cực triển khai đổi mới phương thức quản lý thủ công sang hiện đại

Tại phiên giải trình các đại biểu ghi nhận việc triển khai quy định của Luật Cư trú đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn, cơ bản sẵn sàng kết nối với các Bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có việc hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh, những kết quả đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật liên quan đến nội dung giải trình

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, đã thống kê được các văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phục vụ yêu cầu triển khai quy định của Luật Cư trú, từ đó sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú, các văn bản pháp luật có liên quan.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống hạ tầng đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin để phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng vào công tác chuyên môn, sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Kết quả bước đầu khi kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho thấy đã phục vụ tương đối hiệu quả công tác tra cứu, xác thực thông tin công dân; hỗ trợ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin giữa các cơ sở dữ liệu, phục vụ hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Vấn đề cốt lõi là hoàn thiện cơ sở dữ liệu và kết nối, đồng bộ

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng nêu vấn đề sau hơn 1 năm thực hiện Luật Cư trú và hơn 3 tháng thực hiện Nghị quyết 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 của Chính phủ nhưng đến nay mới có 16 bộ, ngành và địa phương có kế hoạch triển khai thưc hiện Nghị quyết và việc kết nối các trục liên thông để thực hiện những thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện Luật Cư trú tới hiện nay cũng mới chỉ có 16/63 tỉnh, thành có kết nối. Trước thực tế này, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị Bộ Công an có khảo sát đánh giá và làm rõ việc chậm triển khai trong vấn đề này và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu rõ Luật Cư trú quy định Chính phủ, bộ, ngành rà soát các quy định quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan liên quan đến hộ khẩu, sổ tạm trú. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều văn bản liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận cư trú vẫn còn trong quá trình rà soát, bổ sung, sửa đổi chưa ban hành. Đại biểu đề nghị các cơ quan có giải trình về vấn đề này và cho biết thời điểm hoàn thành nhiệm vụ yêu cầu này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Về thực tiễn triển khai, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt ra một số vấn đề phát sinh thực tiễn như việc người dân chưa có CCCD gắn chíp đi làm thủ tục hành chính từ sau ngày 31/12/2022 khi không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hay việc có sai sót trong quá trình cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu hay có sự không khớp nối dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giải quyết như thế nào? Đại biểu cho rằng điều cốt lõi của những vướng mắc hiện nay là việc chưa kết nối, đồng bộ hết các hệ thống cơ sở dữ liệu từ đó ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Ngoài ra một số đại biểu bày tỏ băn khoăn khi còn nhiều địa phương còn khó khăn trong trang bị thiết bị, cơ sở vật chất  như về máy quét QRcode và đọc chip để có thể khai thác sử dụng thông tin công dân từ CCCD gắn chíp thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; bảo đảm sự đồng bộ, bảo mật, an toàn cơ sở dữ liệu thông tin…

Nhiều tiện ích được triển khai trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại hiệu quả bước đầu

Giải trình làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ thực hiện quy định của Luật Cư trú và những nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là công việc rất mới và chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, các cơ quan đều cùng phải có trách nhiệm để tiếp cận và đi tới chuyển đổi trạng thái trong quản lý.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Cở sở dữ liệu dân cư quốc gia và căn cước công dân gắn chip điện tử là 2 dự án rất lớn được triển khai từ ngày 11/3/2020. Quá trình triển khai thực hiện các đề án lại trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với đó là tình trạng thiên tai ảnh hưởng đến các điều kiện hoạt động của xã hội và người dân cũng bị ảnh hưởng theo giãn cách của xã hội. Tuy nhiên, với sự Chính chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm của cơ quan được giao nhiệm vụ, đến nay đã đạt được kết quả quan trọng. Bộ Công an đã chủ động, có trách nhiệm đề nghị Chính phủ xây dựng, thực hiện Đề án 06 về phát triển dữ liệu đến năm 2030, trong đó phân công nhiệm vụ cho các cơ quan trung ương, địa phương trong lộ trình từ 2022 - 2025, 2026 - 2030. Giai đoạn vừa qua, các tiện ích được xây dựng và đưa vào sử dụng đã phục vụ hiệu quả nhu cầu liên quan của công dân, phục vụ cho xã hội, cho người dân và doanh nghiệp bảo đảm đúng phương châm lấy doanh nghiệp, lấy người dân là trung tâm để có những bước phục vụ tương đối hiệu quả và được người dân bước đầu đồng tình.

Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng một số thủ tục được thực hiện trên môi trường số trên cơ sở khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thời gian qua được triển khai thí điểm hiệu quả như việc đăng kí hồ sơ thi kỳ thi quốc gia trên môi trường điện tử; từ 20/5/2022, Bộ Công an đã chuyển thẩm quyền đăng ký phương tiện mô tô, xe gắn máy cho công an cấp xã; làm hộ chiếu online hay thí điểm khai sinh, khai tử trực tuyến tại Hà Nội và Hà Nam…mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí và thời gian, mang lại hiệu quả quản lý.

Các đại biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết trong quá trình thực hiện có một số khó khăn như các đại biểu đề cập. Lý giải về những vướng mắc, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ vẫn còn có những vướng mắc về hạ tầng công nghệ thông tin; cùng với đó một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ và không sử dụng ứng dụng VNeID để đăng ký tài khoản định danh cá nhân…Nhận diện những vấn đề này, giao ban hàng tháng, Tổ công tác đã luôn đốc thúc và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, bảo đảm bảo mật cơ sở dữ liệu… Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an đã phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, giải thích quy định pháp luật để các địa phương thực hiện thống nhất, từng bước hoàn thiện các tiện ích phục vụ người dân. Đồng thời, tại các địa phương đã thành lập tổ cộng đồng công nghệ tổ công tác, nhóm hội, đoàn hỗ trợ người dân đăng kí định danh diện tử, khai báo VNeID. Thứ trưởng Bộ Công an kỳ vọng và tin tưởng thời gian tới người dân sẽ dần quen, hiểu lợi ích của việc chuyển đổi này để sử dụng nhiều hơn, thông thạo hơn.

Liên quan đến vấn đề sổ hộ khẩu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc làm rõ, từ ngày 01/01/2023 không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy nữa nhưng không có nghĩa là người dân không có hộ khẩu mà chuyển từ hộ khẩu giấy sang môi trường điện tử và xác nhận trên môi trường điện tử. Trong xác nhận này, nếu dữ liệu đồng bộ, dữ liệu kết nối đầy đủ thì người dân không cần phải xác nhận ở bên ngoài bằng giấy tờ hoặc các công cụ khác.

Các đại biểu tại phiên họp

Đồng thời cho biết, trong thời gian quá độ, Bộ Công án triển khai 7 phương thức gồm sử dụng CCCD, thiết bị đọc QR code, thiết bị đọc chip, tra cứu, khai thác thông tin trên Cổng dịch vụ công, thông tin trên VNeID, rà soát thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân để người dân có thể dùng khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, cũng tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã giải trình các vấn đề được đại biểu quan tâm về thực hiện thủ tục hộ tịch, ghi tên thành viên gia đình trên cơ sở dữ liệu đất đai./.

Bảo Yến

Các bài viết khác