Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 có nguyên nhân đặc thù
Tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công và tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho thấy tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2022 đạt thấp, đặc biệt là kết quả giải ngân quý I và cập nhật 4 tháng đầu năm đạt trên 18%. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngoài những nguyên nhân mang tính truyền thống, lâu dài từ trước đến nay vẫn bị vướng mắc là giải ngân vốn đầu tư công rất khó, không giống như giải ngân vốn thường xuyên. Các tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân rất thấp và tập trung chủ yếu giải ngân vào các tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV của năm. Như năm 2021, quý I, quý II do tình hình COVID-19 nhưng tỷ lệ giải ngân cũng ở mức thấp. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối năm tập trung vào quý IV thì tỷ lệ giải ngân đã có sự thay đổi, chuyển biến hết sức tích cực. Kết quả cuối cùng là 94,94% của năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong 4 tháng đầu năm 2022 có một số nội dung xuất hiện mới và có tính đặc thù.
Thứ nhất còn một tỷ lệ vốn lớn chưa giao được kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. Vốn này là vốn ngân sách trung ương và địa phương tổng hợp lại. Nguyên nhân của vấn đề này là do công tác dự báo và lập kế hoạch chưa được tốt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ. Cụ thể, khi lập kế hoạch năm 2022 có dự tính một số dự án có thể hoàn thành được thủ tục đầu tư ở quý I/2022 và sau khi hoàn thành được thủ tục đầu tư thì giao được vốn ngay. Tuy nhiên dự báo chưa sát với thực tế và nhiều dự án hết quý I/2022 vẫn chưa phê duyệt được quyết định đầu tư và khi đó không thể giao vốn. Không giao được vốn thì không thể giải ngân được.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Thứ hai là do năm 2022 mặc dù là năm thứ hai của chu kỳ trung hạn 2021-2025, cũng là một năm có nhiều các dự án khởi công mới. Khi dự án mới được khởi động hoặc mới được làm ngoài phần tạm ứng theo quy định của Luật Xây dựng từ năm ngoái ra thì năm nay phải tiến hành để trả khối lượng. Thi công do mới bắt đầu nên khối lượng rất ít, không nhiều khối lượng để có thể tiến hành thanh toán ngay từ đầu năm. Đây cũng là một điểm cũng khá đặc thù của năm 2022. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và sau đó cũng phải mất thêm 6, 7 tháng để hoàn thành thủ tục quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu v.v. Sau khi tạm ứng năm 2021 xong thì năm 2022 phải làm để hoàn trả khối lượng. Do vậy, khối lượng để dành cho giải ngân vốn năm 2022 cũng rất ít, là đặc thù của năm 2022.
Không phải vướng mắc về luật mà là công tác chuẩn bị đầu tư
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho biết, chúng ta có Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và trong Danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm có danh mục các dự án đã và được phê duyệt từ sau năm 2021, sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn thì giao danh mục đấy là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua. Như vậy, về danh mục dự án đều đã có rồi. Năm nay (2022) là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn rồi, mà dự án khi được phân bổ lại vẫn chưa đủ điều kiện. Điều đó chứng tỏ rằng chất lượng của các dự án đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn có lẽ cũng chỉ là hình thức. Đại biểu đặt vấn đề cần phải thay đổi gì trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để giúp cho việc chuẩn bị dự án tốt hơn hay không.
Mặt khác, năm 2022 nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công còn nặng nề hơn những năm trước. Bởi ngoài giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch 5 năm còn phải thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình chính sách về tài khóa, tiền tệ, phục hồi kinh tế. Đại biểu cho biết, báo cáo của Bộ mới chỉ đề cập đến tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn thôi. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị làm rõ đối với các dự án trong Chương trình phục hồi đến thời điểm hiện nay đã phân bổ hết vốn chưa hay đã phê duyệt dự án chưa hay đến giờ vẫn chưa có dù rất cấp bách?
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường đặt vấn đề về chất lượng chuẩn bị, đề xuất các dự án đưa vào danh mục của Kế hoạch đầu tư công trung hạn
Có cùng vấn đề quan tâm Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đề nghị làm rõ việc điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đến nay nhiệm vụ này đang thực hiện như thế nào khi mà việc điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn này chỉ được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, theo quy định của Luật Đầu tư công có 2 bước phê duyệt dự án: Bước thứ nhất là phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, lúc đó có danh mục dự án, kèm theo là các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, để dự án có thể được giao vốn triển khai thực hiện và giải ngân thì dự án phải có một bước nữa là phê duyệt quyết định đầu tư. Theo khái niệm của Luật Xây dựng thì dự án lớn bước chủ trương đầu tư gọi là bước phê duyệt tiền khả thi, còn bước phê duyệt đầu tư dự án gọi là bước phê duyệt khả thi, như vậy mới đủ điều kiện. Do vậy, một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, vì vậy chưa phê duyệt được quyết định đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm việc này không phải vướng mắc gì về luật mà là công tác chuẩn bị đầu tư, trách nhiệm thuộc các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức triển khai từ rất sớm để làm sao khi có kế hoạch vốn là dự án có đủ điều kiện ngay. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn chậm khắc phục và vẫn còn tình trạng việc chuẩn bị đầu tư để phê duyệt quyết định đầu tư dự án còn rất chậm. Mặc dù dự kiến có thể là mất 6 tháng nhưng khi thực tế triển khai để phê duyệt quyết định đầu tư dự án có thể mất thời gian nhiều hơn là 6 tháng.
Áp lực giải ngân vốn lớn trong năm 2022, 2023 đòi hỏi chú trọng công tác điều hòa, phân bổ
Liên quan đến khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đã cho phép về việc bổ sung dự toán năm 2022-2023 để giải ngân trước nguồn vốn từ chương trình phục hồi cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sau đó lấy phần dư địa của kế hoạch đầu tư công trung hạn để giải ngân cho các dự án của thuộc chương trình phục hồi sau khi được phê duyệt đầy đủ các thủ tục đầu tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến quan tâm đến tiến độ thực hiện và việc điều hòa nguồn vốn đầu tư công với vốn từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Về tính toán khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1. Theo đó, trong đợt 1 này trên cơ sở rà soát các dự án có thể hấp thụ được ngay để sau khi giao kế hoạch có thể triển khai và giải ngân được ngay. Đợt 2, trên cơ sở tiếp tục rà soát các dự án, đặc biệt những dự án đã có chủ trương để báo cáo với Quốc hội cho phép thực hiện một số dự án có tính chất rất đặc biệt như một số các dự án của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam VEC, VIDIFI, v.v.. đều là những dự án lớn, khả năng hấp thụ vốn lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, đối với năm 2023, do vẫn chưa xây dựng dự toán cho nên Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tính toán phần vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023 chung với dự toán của ngân sách Nhà nước. Đồng thời hai Bộ cũng sẽ phải lưu ý để tính toán bóc tách cụ thể để xác định tiền của Chương trình; cũng như phối hợp để theo dõi, giám sát chặt chẽ để có số liệu báo cáo chính xác cho Quốc hội, đặc biệt là theo dõi về vấn đề giải ngân.
Kết luận nội dung phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kế hoạch hàng năm, bên cạnh những kết quả đạt được rất tích cực, qua trao đổi cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến kết quả cuối cùng là thực hiện dự án đầu tư công vẫn rất chậm. Một số dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ, nhiều dự án chưa đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch trung hạn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, nếu các dự án chưa đủ điều kiện mà đưa vào trung hạn thì lấy đâu ra giải ngân, sau giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư còn phải tiếp tục triển khai các thủ tục rà soát, đánh giá và để ra được quyết định đầu tư thì mới được đưa vào dự toán năm để giải ngân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn kết luận nội dung phiên giải trình
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa hoàn thành thủ tục phân bổ vốn đầu tư công. Việc điều hòa vốn giữa nguồn lực đầu tư công trong năm 2022 cũng như với Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đến nay cũng chưa được thực hiện. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nội dung này tại phiên họp thứ 11 (tháng 5/2022) tới. Nêu rõ, có kế hoạch điều hòa thì mới có kế hoạch huy động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị thêm Bộ Tài chính quan tâm đến việc này để đảm bảo việc huy động và sử dụng vốn hiệu quả./.