MỖI CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN CẦN TÍCH CỰC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT HUY HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CÔNG

27/04/2022

Chiều 27/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình. Tại phiên giải trình các đại biểu đã làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công.

 

Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tại phiên giải trình các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo tình hình đồng thời đặt câu hỏi, trao đổi về các giải pháp lớn về chính sách, pháp luật về tổ chức thực hiện chỉ đạo điều hành, đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để cải thiện hơn tình hình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, sau một buổi chiều làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hoàn thành phiên giải trình đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, trong không khí hỏi - đáp, trao đổi rất thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng.

Qua phiên giải trình cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới.

Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công

Tại phiên giải trình các đại biểu cơ bản thống nhất nhận định hệ thống pháp luật về đầu tư công trong những năm qua đã được hoàn thiện một bước rất cơ bản, Luật Đầu tư công về cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn. Tuy nhiên đối với các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng như văn bản hướng dẫn của các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…vẫn còn nhiều điểm qua thực tế cũng đòi hỏi phải rà soát lại để đảm bảo thực sự thống nhất và tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết các vấn đề hạn chế, nổi cộm từ quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm việc tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó xem xét sửa đổi quy định pháp luật liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo phiên giải trình

Các ý kiến cũng cho rằng việc xem xét các dự án đầu tư công để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải trên tiêu chí hiệu quả sắp xếp thứ tự ưu tiên…là vấn đề rất lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu xem kỹ lưỡng. Theo đó, nếu đây thực sự là những điểm nghẽn trong triển khai thực hiện ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân thì cần nghiên cứu quy định để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó là một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi đối với Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành cần tiếp tục làm rõ để hoàn thiện chính sách pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị trên cơ sở ý kiến tại phiên giải trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hướng dẫn vấn đề về phân cấp, phân quyền đối với các dự án ODA nhóm B, C và nghiên cứu sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hướng dẫn Luật Đầu tư công theo Nghị định 40, trong đó có vấn đề liên quan đến việc điều chuyển vốn và trong mối quan hệ với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn.

Mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” chưa đạt yêu cầu đề ra

Tại phiên giải trình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, kế hoạch hàng năm được rất nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi thẳng thắn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan. Trong đó, bên cạnh những kết quả đạt được rất tích cực còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến thực hiện dự án đầu tư công vẫn rất chậm. Một số dự án quan trọng quốc gia chậm tiến độ, nhiều dự án chưa đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch trung hạn. Đặc biệt là Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa hoàn thành thủ tục phân bổ vốn đầu tư công. Ngoài ra, việc điều hòa vốn giữa nguồn lực đầu tư công trong năm 2022 cũng như với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đến nay cũng chưa được thực hiện. Bởi có kế hoạch điều hòa thì mới có được kế hoạch huy động, đây là vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo việc huy động và sử dụng vốn hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đặt câu hỏi tại phiên chất vấn

Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” đến nay triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án đang có xu hướng chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công; đồng thời bày tỏ lo ngại các dự án chuyển sang đầu tư công sẽ không đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai thực hiện theo yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Do đó, cần hết sức quan tâm để có những chính sách, giải pháp trong tổ chức thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu là tổ chức thực hiện

Qua trao đổi cho thấy tồn tại hạn chế trong thực hiện đầu tư công có nhiều nguyên nhân cả khách quan và cả chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan một phần là do dịch bệnh COVID-19, cùng với đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Song các đại biểu cũng chỉ ra rằng, cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi kết quả rất thấp nên nguyên nhân chủ yếu do việc tổ chức thực hiện.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi

Các nguyên nhân được chỉ ra đó là: Hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư công, nhất là văn bản hướng dẫn luật còn chưa đầy đủ đồng bộ, thống nhất. Công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thấp, một số dự án được phê duyệt mang tính chất hình thức để ghi vốn, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần nhất là các dự án ODA. Mỗi lần điều chỉnh dự án ODA rất phức tạp và mất thời gian. Việc lựa chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư công chưa có cơ sở định lượng, chưa tính toán cơ sở ưu tiên.Việc chậm phân bổ chi tiết dự án, phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa bám sát định mức tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn kế hoạch trung hạn đến nay vẫn rất chậm. Những khó khăn trong việc giải quyết giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết kịp thời. Các quy định liên quan đến đấu thầu nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc cả việc quy hoạch. Ngoài ra các nguyên nhân khách quan về giá, nguyên nhân giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, v.v. chắc chắn là có tác động đến tiến độ.

Việc thực hiện điều chuyển vốn chưa thực hiện kiên quyết, thiếu linh hoạt. Đến nay vẫn chưa thực hiện được quy định về cắt giảm vốn của các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để điều chuyển sang các bộ, ngành có khả năng giải ngân.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề này nhất là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì, đầu mối trong lĩnh vực này, cùng với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Luật Đầu tư công đã phân công, phân cấp rất nhiều trách nhiệm cho các bộ, ngành địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch tổng thể là một lần trong năm. Các bộ ngành, địa phương tự quyết định để giao vốn cho các dự án và báo lại cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hậu kiểm. Do đó trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là vấn đề chuẩn bị dự án là có trách nhiệm từ cơ sở.

Đẩy nhanh tiến độ, chú trọng chất lượng dự án đầu tư công

Về giải pháp khắc phục khó khăn, các đại biểu quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Trung ương, địa phương; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, giá nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu cần bổ sung vốn. Lưu ý siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và các pháp luật có liên quan theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục, chủ trương.

Nhấn mạnh, cần tuân thủ nghiêm khắc, nghiêm túc các quy định của pháp luật và bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu khi thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải, kéo dài. Tiếp tục kiên định mục tiêu tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, việc triển khai các dự án nói chung và đặc biệt là các dự án lớn cần phải đảm bảo chắc chắn về nguồn lực, đáp ứng ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn kết luận phiên giải trình

Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân các dự án đầu tư công phải đi đôi với hiệu quả, chất lượng công trình, không giải ngân vốn bằng mọi giá. Năm nay chúng ta làm việc này cũng là để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng của các dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định, đầu tư công đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi về nguồn vốn và sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh; cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng đang rất mong đợi. Với ý nghĩa, sự quan tâm đặc biệt như vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ mong muốn mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân theo vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, triển khai thực hiện sẽ tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, sau phiên giải trình, trên cơ sở các ý kiến yêu cầu giải trình, đặt câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ tổng hợp kết quả phiên giải trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị các cơ quan có giải pháp hoàn thiện cả về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, từ đó thúc đẩy tiến độ, hiệu quả, chất lượng đầu tư côn trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo, đề xuất các nội dung tập trung trao đổi

Toàn cảnh phiên giải trình

Các đại biểu tham gia giải trình

Các đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải

Bảo Yến - Nghĩa Đức