Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tiếp xúc cử tri tại Bình Thuận
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2024 là năm có nhiều áp lực, khó khăn và thách thức đối với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT). Vượt qua những khó khăn, thách thức, Ủy ban đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đã đúc rút thêm được những kinh nghiệm để phục vụ công việc trong thời gian tới.
Để có thể hiểu rõ hơn về những công việc của Ủy ban KH,CN&MT năm 2024 đóng góp trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy.
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, Chủ nhiệm có thể khái quát, đánh giá về những kết quả công tác chủ yếu trong năm 2024 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Năm 2024, Ủy ban đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất do Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội phân công; các nhiệm vụ lập pháp, giám sát, tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các hoạt động đối ngoại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/311220241029-cn-huy-3.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy
Về lập pháp, Ủy ban đã chủ trì đối với 05 dự án luật, cụ thể là chủ trì thẩm tra, nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua; chủ trì thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với các dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7; thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về giám sát, Ủy ban chủ trì tham mưu, triển khai giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; chủ trì thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về 04 dự án công trình quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban đã tham gia phối hợp thẩm tra, góp ý kiến hơn 60 dự án Luật, Nghị quyết, Tờ trình, báo cáo của Chính phủ và thực hiện nhiều công việc khác.
Thẳng thắn và thể hiện rõ quan điểm trong thẩm tra, báo cáo giải trình
Phóng viên: Năm 2024 được nhìn nhận là nhiều áp lực về thời gian và khối lượng công việc, Chủ nhiệm có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong hoạt động của Ủy ban và kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn, thách thức đó?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Có thể nói, việc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban có những thuận lợi, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với lĩnh vực Ủy ban được phân công phụ trách; sự tin tưởng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia; sự gắn bó của các thành viên Ủy ban; sự nỗ lực của tập thể Thường trực Ủy ban và Vụ chuyên môn giúp việc; sự kế thừa kết quả các hoạt động mà Ủy ban đã tiến hành trước đó; việc phát huy tối đa truyền thống của Thường trực Ủy ban qua các nhiệm kỳ.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/311220241151-qh-thong-qua-luat-dien-luc.jpg)
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, năm 2024 là năm có nhiều áp lực, nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết là khối lượng công việc nhiều, chỉ tính riêng các nhiệm vụ được giao chủ trì đã có 05 dự án luật, 01 Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 giám sát chuyên đề của Quốc hội.
Thứ hai là thời gian gấp, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia được xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp Quốc hội. Cá biệt có những nội dung mà Ủy ban phải khẩn trương thẩm tra trong thời gian 01 đến 02 ngày làm việc để đảm bảo chương trình kỳ họp.
Thứ ba là nhiều vấn đề mới, khó, mang tính thời đại, ví dụ như Quy hoạch không gian biển quốc gia, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tài sản số…
Thứ tư là nhiều nội dung nhạy cảm, ví dụ như vấn đề điện gió ngoài khơi, các dự án nguồn điện, điện hạt nhân trong Luật Điện lực; vấn đề chủ quyền biển, đảo trong Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia…
Thứ năm là Ủy ban vừa tiến hành các hoạt động chuyên môn, vừa tiến hành các công việc được giao trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Thứ sáu là thực hiện hoạt động lập pháp trong bối cảnh chuyển đổi từ cách làm cũ, tư duy cũ sang cách làm mới, triết lý mới.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/311220241030-cn-huy-4.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy khẳng định: Vượt qua những khó khăn, thách thức, trong năm 2024, Ủy ban đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần và trách nhiệm cao nhất
Qua những khó khăn, thách thức, Thường trực Ủy ban cũng đã đúc rút thêm được những kinh nghiệm để phục vụ công việc trong thời gian tới. Cụ thể là luôn bám sát quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chủ tịch Quốc hội tại các Công thư số 15, 16 và 17; quán triệt Quy định số 178-QĐ/TƯ; thẳng thắn và thể hiện rõ quan điểm trong thẩm tra, báo cáo giải trình; đề cao trách nhiệm, ý thức chấp hành chỉ đạo của cấp trên; nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần “xuyên đêm sáng đèn”; chuẩn bị từ sớm, từ xa; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và đảm bảo sự đồng thuận; có phương pháp tiếp cận phù hợp; báo cáo, xin ý kiến kịp thời.
Mỗi hoạt động của Ủy ban đều có tầm quan trọng, khó khăn và dấu ấn riêng
Phóng viên: Trong rất nhiều những kết quả đạt được, theo ý kiến của Chủ nhiệm thì dấu ấn trong hoạt động của Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm 2024 là gì?
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy: Mỗi hoạt động của Ủy ban đều có tầm quan trọng, khó khăn và dấu ấn riêng. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó thì việc tham mưu để trình Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia có thể được xem là những dấu ấn đáng nhớ.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/311220241148-luat-dia-chat-va-khoang-san1.jpg)
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút thông qua Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Luật Địa chất và khoáng sản được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; vừa xử lý những vấn đề có tính chiến lược, dài hạn, vừa phải xử lý những vấn đề cấp bách trước mắt để tháo gỡ khó khăn như vấn đề khoáng sản làm vật liệu san lấp, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, biển… gây sụt lún, sạt lở; đồng thời, Luật này có nhiều vấn đề nhạy cảm, được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trong bối cảnh lãnh đạo và công chức của Cơ quan chủ trì soạn thảo có những thay đổi theo quyết định của cơ quan thẩm quyền và cơ quan chức năng.
Luật Điện lực được xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, nhiều nội dung được sửa đổi bổ sung mới, khó, phức tạp, nhạy cảm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn đầy đủ, rà soát cẩn thận để bảo đảm phù hợp, khả thi, không có cài cắm lợi ích nhóm và hợp thức hóa các sai phạm; soạn thảo theo tinh thần quy định cụ thể, chi tiết với 130 điều nhưng phải tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua theo tuy duy lập pháp mới nên đã phải lược bỏ tới 49 điều; sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, kịp thời.
Quy hoạch không gian biển quốc gia là vấn đề khó, đan xen giữa các vấn đề kinh tế-kỹ thuật và pháp lý, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế và lần đầu tiên được ban hành ở nước ta, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!