Đảm bảo điều kiện tiếp cận không gian xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân

06/09/2024

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được tích cực chỉnh lý, bổ sung để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Nhằm cung cấp thêm góc nhìn đa chiều về dự án Luật này, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn với tiêu đề: “Đảm bảo điều kiện tiếp cận không gian xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân”.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đảm bảo hội nhập và phát triển

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; gửi Công văn lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 13/8/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, dự thảo Luật được chỉnh lý gồm 06 chương và 65 điều, bỏ 01 điều và bổ sung 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Tôi đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 214/BC-BXD ngày 9/8/2024 với 140 trang, báo cáo giải trình tiếp thu rất chi tiết các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội. Về cơ bản Dự thảo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

 

Tôi nhất trí với nhiều nội dung lớn của Dự án Luật như quy định về quản lý không gian ngầm, việc bổ sung thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa giữa quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề trong dự thảo luật còn có ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu kỹ lưỡng như: về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn đối với thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I; về việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng để bảo đảm chất lượng các quy hoạch đối với đô thị loại III trở lên; trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn khác cấp độ.

Thứ nhất, về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn đối với thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, hiện nay có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị tiếp tục quy định thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I do quy hoạch này là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, đô thị loại I là đô thị có vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước. Hiện nay, cả nước có 19 thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, cơ bản các đô thị đều đã có quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Tại đô thị loại I có tập trung nhiều cơ sở kinh tế kỹ thuật là dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia, được xác định trong các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành trong quá trình thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Với vị trí, chức năng, vai trò như vậy, đô thị loại I cần được kiểm soát chặt chẽ về không gian, khu vực chức năng của đô thị. Do vậy, quy định theo loại ý kiến thứ nhất là hợp lý.

Các đô thị loại I cần được kiểm soát chặt chẽ về không gian, khu vực chức năng của đô thị. (Ảnh minh họa: TP. Việt Trì - đô thị loại I thuộc tỉnh Phú Thọ)

Thứ hai, về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng đối với quy hoạch đô thị loại III trở lên đã giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch đô thị và nông thôn, nội dung này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng chỉnh lý để làm rõ giá trị, nội dung, thời hạn cho ý kiến của Bộ Xây dựng, đồng thời, chuyển quy định về lấy ý kiến Bộ Xây dựng tại khoản 2 Điều 41 sang khoản 4 Điều 36 để phù hợp hơn về mặt nội dung. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức khác.

Để bảo đảm chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, tôi đề nghị theo Loại ý kiến thứ nhất. Việc mở rộng quy định để địa phương chịu trách nhiệm toàn diện đối với quy hoạch chung các đô thị nhỏ là cần thiết; đối với các đô thị quy mô trung bình và quy mô lớn, cần có lộ trình thực hiện kết hợp công tác kiểm tra, đánh giá đầy đủ thực tiễn. Việc tiếp cận quy hoạch đô thị nông thôn của địa phương cũng thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn. Do đó, đối với đô thị loại III trở lên, trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định đối với nhiệm quy hoạch và quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng về sự tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật vùng, tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch.

Thứ ba, đối với trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn khác cấp độ, có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị trong trường hợp này thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III dự thảo Luật để thực hiện do các cấp độ quy hoạch có tính chất “cụ thể hóa dần”. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền/cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện tương ứng với trường hợp cùng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/cơ quan khác thẩm quyền phê duyệt. Quy định theo loại ý kiến thứ hai là hợp lý.

Dự thảo Luật cũng đã có quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn là tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030 yêu cầu “tăng cường vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân trong tham gia phản biện việc lập, giám sát và thực hiện quy hoạch đô thị”.

Cụ thể hóa chủ trương này, khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật đã quy định thành phần Hội đồng thẩm định gồm có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chuyên gia phản biện. Đồng thời, Điều 62 Dự thảo Luật quy định Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm lấy ý kiến quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 36; các nội dung chính cần lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến quy định tại Điều 37. Đồng thời Điều 36 cũng quy định hình thức tiếp thu, giải trình ý kiến khi tiếp nhận ý kiến.

Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung quy định để tăng cường vai trò của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch như yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW. Theo Điều 7 Luật Quy hoạch, thực hiện quy hoạch là một trong 5 bước trong trình tự của hoạt động quy hoạch.

Dự thảo Luật cũng đã có quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn là tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy định này tại khoản 3 Điều 4 đã thể chế hóa yêu cầu phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh của Nghị quyết số 06-NQ/TW. Tuy nhiên, trong dự thảo luật cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Trong đó, đề nghị quan tâm việc đảm bảo tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Yêu cầu này đã được xác định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 1/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Về yêu cầu trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Điều 9 của dự thảo Luật quy định về yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó, khoản 2 quy định nội dung quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm các vấn đề xã hội, cảnh quan, văn hóa và di sản để làm cơ sở đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất quy hoạch. Đề nghị xem xét riêng một Điều quy định về yêu cầu về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, về chuẩn bị văn bản quy định chi tiết, dự thảo Luật có nhiều nội dung giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết như Điều 16 về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, Điều 19 về thi tuyển ý tưởng quy hoạch và lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị và nông thôn, Điều 25 về thiết kế đô thị, Điều 41 về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn, Điều 49 về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn, Điều 55 về tổ chức quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan và công viên, cây xanh, mặt nước. Dự thảo các văn bản chi tiết đã trình kèm hồ sơ tại Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần sớm hoàn thiện văn bản quy định chi tiết để trình Kỳ họp thứ 8./.

        

TS. Phạm Trọng Nghĩa

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Các bài viết khác