Cần xem giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội như một công cụ hữu hiệu để thu thập thông tin

31/08/2024

Hoạt động giải trình là một trong những hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội, đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp các cơ quan của Quốc hội có thêm dữ liệu và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Cần xem giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội như một công cụ hữu hiệu để thu thập thông tin” của TS. Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản

Năm 2010 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, những phiên giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội được tổ chức thực hiện. Vào thời điểm đó, phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc về chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số và phiên giải trình của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội về chuẩn nghèo và tình hình thực hiện các chính sách về giảm nghèo được thí điểm tổ chức đã mở ra một phương thức mới trong việc thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Nhận xét về hình thức này, các thành viên Uỷ ban về Các vấn đề xã hội vào thời điểm đó đã cho rằng, hiệu quả của phiên giải trình là “nhìn thấy ngay, có tác động ngay và kịp thời luôn đến các bộ, ngành”, do đó không phải chờ đợi dồn đến nửa năm một lần mới đưa vấn đề ra nghị trường chất vấn mà có thể tổ chức giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội để kịp thời phản ứng trước các vấn đề phát sinh thường xuyên trong cuộc sống.

Trên cơ sở thành công của những phiên giải trình được tổ chức thí điểm, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong đó có yêu cầu tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách (khoản 2 Điều 3). Đến năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 đã chính thức ghi nhận giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội là một hình thức giám sát của các cơ quan của Quốc hội (Điều 43). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Các Ủy ban của Quốc hội tăng cường tổ chức các phiên giải trình với nội dung trải rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước và những vấn đề cử tri quan tâm.

Với những quy định này, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tăng cường tổ chức các phiên giải trình với nội dung trải rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước và những vấn đề cử tri quan tâm, từ phòng chống tham nhũng, hoạt động công chứng, chứng thực, quản lý thuốc lá điện tử, đến thị trường xăng dầu, hoàn thuế giá trị gia tăng, thị trường bất động sản… Theo tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thì từ Quốc hội khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được trên 30 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các phiên giải trình đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề bất cập, bức xúc được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giải quyết kịp thời những bức xúc trong xã hội, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc tổ chức các phiên giải trình hiện nay đang được xem là một hình thức giám sát chính thức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chính vì vậy, các quy định hiện hành đang yêu cầu việc tổ chức các phiên giải trình phải được tổ chức theo những trình tự, thủ tục rất chi tiết, cụ thể. Ví dụ, việc tổ chức các phiên giải trình phải được đưa vào Chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; phải được lập thành kế hoạch cụ thể; phải trải qua các bước thu thập thông tin, chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cũng đặt ra yêu cầu các phiên giải trình của Quốc hội phải có kết luận về nội dung giải trình. Với những quy định như vậy, việc tổ chức các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thường mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Theo tổng kết việc tổ chức các phiên giải trình vào năm 2010, một phiên giải trình cần thời gian chuẩn bị khoảng 2 đến 3 tháng bao gồm các công việc như lựa chọn vấn đề; lên kế hoạch; kinh phí; xác định thành phần, liên hệ và mời các bên liên qua; chuẩn bị kịch bản; bộ câu hỏi… Trong phiên giải trình gần đây về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các thành viên của Ủy ban Xã hội cũng cho biết, công tác chuẩn bị cũng được thực hiện kỹ với rất nhiều công việc, nhất là việc lựa chọn vấn đề và xác minh các thông tin liên quan, trong đó có cả việc đi khảo sát ở một số địa phương, điều tra tìm hiểu để có thể làm rõ đó đã phải là vấn đề thực sự bức xúc, thực sự là đáng quan ngại hay chưa, trong đó có cả việc chuẩn bị những dẫn chứng cụ thể về các vấn đề có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Việc tổ chức các phiên giải trình theo các quy trình, thủ tục chặt chẽ như vậy là phù hợp với mục tiêu xem phiên giải trình là một hình thức giám sát chính thức và việc tổ chức phiên giải trình phải đi đến một kết luận cụ thể về nội dung giải trình, về trách nhiệm của các bên có liên quan. Tuy nhiên, việc đòi hỏi sự chuẩn bị công phu như vậy dẫn đến việc số lượng các phiên giải trình hằng năm được tổ chức không nhiều. Theo số liệu đã dẫn ở trên thì từ đầu nhiệm kỳ khoá XIV đến nay trung bình mỗi năm, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chỉ tổ chức từ 3 đến 4 phiên giải trình. Trong khi đó có những vấn đề thực tiễn đòi hỏi các chủ thể bị giám sát phải thực hiện trách nhiệm giải trình kịp thời để giải toả những khó khăn, vướng mắc, giải đáp các tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như đưa ra các giải pháp chính sách kịp thời. Chẳng hạn, trong năm 2023, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng được các doanh nghiệp rất quan tâm nhưng cũng phải sau gần 2 tháng chuẩn bị thì Ủy ban Tài chính, Ngân sách mới có thể tổ chức được phiên giải trình về vấn đề này.

Trong khi đó, về bản chất, hoạt động giải trình tại phiên họp của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động nghị viện là công cụ quan trọng để thu thập thông tin. Ở nghị viện các nước, phiên giải trình thường được tổ chức một cách thường xuyên và linh hoạt để các cơ quan của Quốc hội “lắng nghe” (hearing),  thu thập thông tin về các vấn đề cụ thể, làm rõ trách nhiệm giải trình của các chủ thể có liên quan. Thủ tục tiến hành phiên họp, vì vậy cũng linh hoạt và đơn giản hơn nhiều so với các phiên họp của Ủy ban. Cụ thể, tại phiên họp này, các thành viên của Ủy ban chủ yếu là lắng nghe quan điểm của những người tham gia phiên giải trình và đặt câu hỏi để làm rõ những vấn đề có liên quan và không nhất thiết phải đưa ra một kết luận cụ thể. Giá trị của phiên giải trình là làm rõ các thông tin liên quan đến vấn đề được thảo luận, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Mặc dù có thể không đi đến kết luận nhưng với việc trách nhiệm của các bên được làm rõ, cùng với việc công khai, minh bạch thông tin trước công chúng, sức ép của dư luận có thể dẫn đến những thay đổi về chính sách, tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, thậm chí có thể dẫn đến việc từ chức của những người có trách nhiệm liên quan.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần nghiên cứu để bên cạnh việc xem việc tổ chức giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một hình thức giám sát chính thức, thì đây cũng là công cụ để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thu thập thông tin, phục vụ cho các hoạt động của mình. Với cách thức đó, việc tổ chức giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ được tổ chức đơn giản, linh hoạt hơn, hướng đến việc công khai các thông tin về nội dung được giải trình và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Những thông tin thu nhận được tại phiên giải trình có giá trị quan trọng để giúp cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực hiện các chức năng của mình trong cả lĩnh vực giám sát, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trên thực tế, việc tiếp cận hoạt động giải trình theo hướng này cũng đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó” (Điều 77).

Trên cơ sở quy định này của Hiến pháp, các luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể quy định cụ thể về cách thức tổ chức, trình tự, thủ tục tiến hành các phiên giải trình của Quốc hội như một công cụ thu thập thông tin để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội, hội nhập với những thông lệ về hoạt động của Quốc hội của các nước trên thế giới./.

 

TS. Hoàng Minh Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Các bài viết khác