PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP QUÝ I/2024 BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI CẤP BỘ ĐẶC BIỆT “QUỐC HỘI VIỆT NAM – 80 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN”

10/04/2024

Sáng 10/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài, Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tiến hành Phiên họp Quý I/2024 đánh giá tiến độ thực hiện và dự kiến công việc tiếp tục triển khai trong năm 2024.

PHIÊN HỌP QUÝ I NĂM 2024 BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI CẤP BỘ ĐẶC BIỆT: “QUỐC HỘI VIỆT NAM – 80 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN”

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ nhiệm đề tài, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng các thành viên của Đề tài cấp Bộ đặc biệt.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong năm 2023 Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai và hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Kết quả triển khai Đề tài được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao.

Liên quan đến tiến độ thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan, đơn vị và thành viên Đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, có chất lượng. Tính đến thời điểm này, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp Chương 1. Tiến độ chung đến quý I/2024 cơ bản đạt yêu cầu, tài liệu bước đầu đã hệ thống hóa được rất nhiều thông tin lý luận cơ bản.

TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài

Nhấn mạnh vẫn còn nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cũng như gia tăng thêm hàm lượng khoa học, tính lịch sử, Phó Chủ nhiệm Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị và yêu cầu tất cả các thành viên đề tài cũng như đại diện các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng và phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ với chất lượng cao nhất.

Báo cáo tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ nhiệm đề tài cho biết, các cơ quan, đơn vị và thành viên Đề tài đều nghiêm túc triển khai thực hiện để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; có cơ quan, đơn vị còn thực hiện xong sớm trước thời hạn (Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp Chương 5, Chương 8; Viện Nghiên cứu lập pháp hoàn thành Báo cáo tổng hợp Chương 1 sớm trước thời hạn); nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động rất bài bản, khoa học.

Bên cạnh đó, các thành viên Đề tài công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội luôn tích cực, chủ động hoàn thành công việc đúng tiến độ; giữ vai trò nòng cốt, chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu đối với các nhiệm vụ giao cho các cơ quan.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ nhiệm đề tài

Về dự kiến các công việc triển khai trong năm 2024, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, các cơ quan chủ động xây dựng báo cáo theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, Báo cáo tóm tắt, Bản kiến nghị ngay trong năm 2024 để năm 2025 sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, tinh chỉnh, nâng cấp, nâng tầm, xin ý kiến chuyên gia để hoàn thiện các Báo cáo.

Ngoài ra, theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề tài, các cơ quan phải hoàn thành Báo cáo tổng hợp chương (từ Chương 1 đến Chương 9) trước tháng 10/2024. Tuy nhiên, năm 2025 cũng là năm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nên Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội sẽ có rất nhiều công việc quan trọng cần phải hoàn thành. Do vậy, để kịp tiến độ biên tập và xuất bản sách “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, đề nghị các cơ quan, thành viên đề tài chủ động sắp xếp công việc, cố gắng đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành các Báo cáo tổng hợp chương (từ Chương 1 đến Chương 9) và các Danh mục, Phụ lục chậm nhất là tháng 7/2024 (sớm hơn 02 tháng so với Kế hoạch), gửi Viện Nghiên cứu lập pháp để Viện có cơ sở xây dựng Báo cáo tổng hợp chung của đề tài; phấn đấu có bản dự thảo sách “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” vào cuối tháng 12/2024.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Bên cạnh đó, đề nghị tổ chức sớm cuộc Hội thảo thứ 5: “Thành tựu và dấu ấn nổi bật của Quốc hội khóa XV” (theo Kế hoạch là trước tháng 5/2025) ngay trong năm 2024, cùng với Hội thảo thứ 4: “Quốc hội Việt Nam – 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, dự kiến trước tháng 9/2024 để có thông tin, tư liệu xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài. Hội thảo thứ 6 tham vấn ý kiến chuyên gia góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài dự kiến sẽ tổ chức vào đầu năm 2025 ngay sau khi có dự thảo Báo cáo tổng hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Tại Phiên họp, Ban Chủ nhiệm đề tài cấp bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” đã tập trung cho ý kiến, đánh giá về kết quả công việc triển khai trong Quý I/2024. Đồng thời, trao đổi, triển khai các công việc cần khẩn trương thực hiện trong 9 tháng còn lại của năm 2024 cũng như đầu năm 2025 để có thể hoàn thành nhiệm vụ theo đúng như Kế hoạch đề ra.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo về kết quả triển khai Đề tài và dự kiến công việc triển khai trong năm 2024. Các ý kiến cũng đánh giá cao vai trò khâu nối của Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai thực hiện Đề tài.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp trực tiếp vào dự kiến công việc triển khai theo nhiệm vụ của từng đơn vị, nêu một số nội dung triển khai cụ thể và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện đề tài theo đúng tiến độ và đảm bảo về yêu cầu về chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đề xuất cùng với việc biên tập và xuất bản sách truyền thống sẽ xuất bản sách số, sách đọc 

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan và từng thành viên đề tài đã tích cực triển khai đúng tiến độ các công việc được phân công trong bối cảnh công việc các cơ quan đều rất lớn. Đồng thời, tuyên dương các cơ quan, thành viên đề tài đã hoàn thành sớm so với kế hoạch (như Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp). “Năm 2023 và quý I/2024 các nội dung công việc đã hoàn thành tiến độ đề ra, cơ bản chất lượng đảm bảo yêu cầu. Đây là kết quả nỗ lực của thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài, từng đồng chí được phân công thực hiện nhiệm vụ; cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban,… đã cố gắng thực hiện tốt chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài trong bối cảnh các cơ quan khối lượng công việc rất nhiều nhưng đã dành thời gian huy động lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, qua thảo luận, các các thành viên Chủ nhiệm đề tài, đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp đều thống nhất với báo cáo của Viện Nghiên cứu lập pháp và khẳng định nhiệm vụ trong thời gian tới còn rất nặng nề, rất nhiều việc quan trọng cần tập trung trí lực, nhân lực; cần huy động lực lượng trong và ngoài cơ quan để thực hiện. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng đẩy nhanh hơn về tiến độ tùy từng công việc từ 1 – 2 tháng để đáp ứng yêu cầu đề ra.

TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài

Lưu ý trong năm 2025 khối lượng công việc rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc tổng hợp, bảo vệ đề tài phải gắn liền, triển khai đồng thời với việc biên tập, dự thảo thành sách. Theo đó, mục tiêu phấn đấu là đến tháng 11/2024 có báo cáo tổng hợp lần đầu kết quả nghiên cứu đề tài, và có dự thảo lần đầu sách Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới phát triển vào tháng 12/2024; các hội thảo phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2024. Mục tiêu đề ra là sang năm 2025 chỉ tập trung vào nhiệm vụ tinh chỉnh, nầng tầm, hoàn thiện.

Liên quan đến các công việc thực hiện trong Quý II và công việc của 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả theo Danh mục Viện Nghiên cứu lập pháp đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì, để cung cấp thông tin tài liệu, báo cáo từng phần theo yêu cầu cơ quan chủ trì phục vụ việc biên tập từng chương và khẳng định đây là trách nhiệm của từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được Chủ tịch Quốc hội kết luận, cần nghiêm túc chấp hành.

Đối với Viện Nghiên cứu lập pháp, cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chủ nhiệm đề tài; thực hiện đúng quy định với vai trò là Cơ quan chủ quản và Tổ chức chủ trì. Phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc công việc; có thể cử thêm cán bộ có năng lực vào các nhóm biên tập, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt công tác hàng tháng báo cáo Chủ nhiệm Đề tài, 3 tháng báo cáo Chủ tịch Quốc hội một lần;…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục quyết tâm cao, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời lưu ý một số nội dung cụ thể cần báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội liên quan đến: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề tài; thực hiện đề tài song song với biên tập sách; giao Văn phòng Quốc hội lập dự toán biên tập sách; cùng với biên tập và xuất bản sách truyền thống kiến nghị xuất bản sách số, sách đọc để đưa lên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Thư viện Quốc hội phục vụ tra cứu;…

Khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị chuyên môn đặc biệt quan trọng, Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc triển khai và thực hiện Đề tài vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Do đó, kết quả của đề tài không chỉ là thông tin khoa học mà phải nâng tầm nhận định thành lý luận, bài học, tư liệu có tính khoa học lịch sử truyền lại thế hệ mai sau; bảo đảm tính logic, khoa học, hệ thống; tính lịch sử chân thực, chính xác; tính chính trị; tính xã hội;…

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh Phiên họp

TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tiến hành Phiên họp Quý I/2024

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ nhiệm đề tài

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đề xuất cùng với việc biên tập và xuất bản sách truyền thống sẽ xuất bản sách số, sách đọc

 

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp tham dự Phiên họp

TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài

Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tiến hành Phiên họp Quý I/2024

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác