Đa số ủng hộ không tổ chức HĐND cấp quận, phường

17/05/2013

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo đã thực sự tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Tại buổi họp báo, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã thông báo một số thông tin về công tác tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Kết quả tổng hợp cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân.

Riêng Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có đến hơn 5,6 triệu lượt ý kiến góp ý, các Chương IX về chính quyền địa phương, Chương V về Quốc hội, Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường nhận được từ 1 triệu đến 1,9 triệu lượt ý kiến góp ý.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu từ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh, thành phố, 30 bộ, ngành. Báo cáo đã thể hiện rõ 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đề xuất hoàn thiện; trong đó đóng góp sâu vào Chương VII về Chính phủ và Chương IX về chính quyền địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ giúp việc đồng thời là Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã trả lời một số vấn đề báo giới quan tâm, liên quan đến những kiến nghị cụ thể về trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; việc tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mô hình chính quyền địa phương trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.

Ông Hoàng Thế Liên cho biết các ý kiến kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực. Khi đã công nhận Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp thì không nên quy định là cơ quan chấp hành của Quốc hội bởi đó là điều đương nhiên. Phải quy định thẩm quyền của Chính phủ cũng như thành viên Chính phủ để họ có vị trí độc lập nhất định. Chính phủ là người đầu tiên đề xuất, hoạch định chính sách xây dựng và trình chính sách. Những chính sách lớn có liên quan đến điều hành thì nên để Chính phủ đề xuất, điều hành để có thể nhanh nhạy, chủ động đối phó với tình hình.

Các ý kiến đề xuất Thủ tướng, các Bộ trưởng có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân, nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân trước nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng cho hay các kiến nghị được xây dựng công phu trên nguồn ý kiến của nhân dân, các chuyên gia trong quá trình hội thảo tọa đàm. Báo cáo của Chính phủ dài trên 100 trang, được chắt lọc từ 5.000 trang báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều vấn đề cơ bản đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, làm cho chất lượng dự thảo sửa đổi tốt hơn rất nhiều. Những kiến nghị chưa được lập luận chắc chắn sẽ tiếp tục được lập luận thêm để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu để biến Hiến pháp thành đạo luật có giá trị thực tiễn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về ý kiến nhân dân xung quanh vấn đề không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết ông đồng tình với số liệu thăm dò dư luận do Bộ Nội vụ đưa ra: 79% số người được hỏi đồng tình với việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường.

Theo ông, Dự thảo Hiến pháp lần này đã có sự phân biệt giữa đơn vị hành chính lãnh thổ với cách thức tổ chức chính quyền từng đơn vị hành chính lãnh thổ một. Cách thức tổ chức chính quyền trên từng lãnh thổ được giao cho Luật định, tổ chức phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Việc Dự thảo Hiến pháp trao lại cho Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền trên từng lãnh thổ là mở ra một cánh cửa rất rộng, sẽ có điều kiện để tổ chức chính quyền phân cấp theo từng đơn vị lãnh thổ cho phù hợp hơn. Khi làm luật về chính quyền địa phương, sẽ đưa ra nguyên tắc tổ chức Hội đồng Nhân dân ở đâu 1 cấp, ở đâu 2 cấp, 3 cấp chứ không đưa ra mô hình thống nhất trong toàn quốc./.

 

Chu Thanh Vân (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)