Tọa đàm Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới

04/05/2013

Sáng 3.5, tại Hà Nội, Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Tọa đàm cho ý kiến về cuốn tài liệu tham khảo Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định cần: khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng từng bước hoàn thiện cơ chế, kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Biên tập đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng các quy định trong Dự thảo về cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chủ trì biên soạn cuốn tài liệu tham khảo Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới. Mục đích của cuốn tài liệu tham khảo này nhằm giới thiệu về cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới, những vụ việc và cách thức Hội đồng Hiến pháp các nước xử lý các vụ việc có liên quan đến bảo vệ Hiến pháp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.

Cuốn tài liệu tham khảo được chia thành 3 chương, gồm: Các mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp; Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp ở một số nước trên thế giới; Nhận xét và kiến nghị của nhóm tác giả. Trong cuốn tài liệu tham khảo, các tác giả đã phân tích mô hình Hội đồng Hiến pháp ở 11 quốc gia là: Algeria, Pháp, Mauritania, Cộng hòa Chad, Tunisia, Senegal, Ethiopia, Morocco, Lebanon, Campuchia, Kazakhstan. Các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, bản thảo cuốn tài liệu tham khảo đã phác họa được bức tranh toàn diện về mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp, cung cấp khá nhiều thông tin cụ thể về mô hình bảo hiến ở các nước. Với việc thiết chế Hội đồng Hiến pháp ra đời đầu tiên ở Pháp, nhiều đại biểu đề nghị mô hình bảo hiến ở Pháp nên được phân tích sâu hơn so với mô hình ở các quốc gia khác nêu trong cuốn tài liệu tham khảo. Đặc biệt, cần làm rõ bối cảnh ra đời của mô hình bảo hiến ở Pháp trong mối tương quan với tình hình thực tiễn ở nước ta để trả lời câu hỏi: Vì sao nước ta nên chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp mà không phải Tòa án Hiến pháp? Một số ý kiến cũng cho rằng Ban Biên tập nên bổ sung thông tin về cơ chế bảo hiến ở những nước láng giềng như Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại cuộc Tọa đàm, Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tổng hợp, chắt lọc và hoàn thiện cuốn tài liệu tham khảo này để kịp thời in ấn gửi các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Năm tới.

Ngọc Điệp

(http://www.daibieunhandan.vn/)