Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

22/01/2013

Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Thưa các đồng chí,               

Trước hết, tôi xin chào mừng và hoan nghênh sự có mặt đông đủ của các đồng chí tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng này, nhằm quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thưa các đồng chí,

Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ở nước ta, từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay, chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp, Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Các bản Hiến pháp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển. Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng nước cộng hòa Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, quá trình sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra đúng kế hoạch, tiến độ và đã có những kết quả bước đầu quan trọng. Đến thời điểm này, sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2012, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được công bố để toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến.

 

Thưa các đồng chí!

Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, một công việc hệ trọng của quốc gia. Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Điều này trước hết xuất phát từ tư tưởng Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp cần thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân; góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; tạo điều kiện người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, có tác dụng giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp.

Thưa các đồng chí!

Lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp ý kiến một cách thiết thực. Cần phải nhận thức rằng, để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta sẽ nghe báo cáo về những nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đề nghị các đồng chí tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung nêu trên. Sau hội nghị, đề nghị các đồng chí quán triệt thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ. 

Với tinh thần đó, tôi xin khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Nhân dịp đầu năm mới 2013, xin chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc; chúc cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

(Nguồn: Văn phòng Quốc hội)