PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TẠO KHÔNG GIAN MỚI, ĐỘNG LỰC MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

05/11/2022

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn để nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, để dự thảo Luật này đạt được mục tiêu tạo không gian mới, động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm tối đa các thủ tục hành chính.

THẢO LUẬN TỔ 10: TIẾT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, LÀM RÕ PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Tạo không gian mới, động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, có những ưu điểm nhưng cũng có những bất cập. Người dân và doanh nghiệp đang rất mong đợi Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết những mặt được, chưa được trong thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI, từ đó, xác định các quan điểm, định hướng để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đồng thời giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của Nhân dân, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ đã dày công chuẩn bị dự thảo Luật, song đối chiếu với mục đích, yêu cầu, quan điểm xây dựng dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ: dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện đầy đủ những chính sách mới trong Nghị quyết số 18 của Trung ương. Một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục được đánh giá tác động kỹ lưỡng, cần cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai để tạo không gian mới, động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm tối đa các thủ tục hành chính. Cùng với đó, phải làm rõ phân cấp phân quyền cho địa phương, thiết lập các công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, giảm tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thời gian qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật liên quan đến các vụ án tiêu cực tham nhũng ở nhiều địa phương trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất và triển khai thực hiện các dự án. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Luật hiện hành có đến 17 Nghị định, 53 Thông tư được ban hành để quy định chi tiết nhưng vẫn có những ách tắc trong quản lý, sử dụng đất; vẫn có kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực này. Qua rà soát cho thấy, dự thảo Luật có đến 70 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần hạn chế tối đa những điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết mà cần phải quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật. 

Chương II của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước, công dân với đất đai với 18 điều, nhưng lại dành 16 điều quy định về trách nhiệm của nhà nước, chỉ có hai điều là quyền, nghĩa vụ của công dân. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, quy định như vậy chưa có sự tương xứng giữa hai chủ thể nhà nước và công dân, do đó, cần làm rõ vấn đề này.

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, cần thống nhất nhận thức đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nhưng dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng đất được Nhà nước giao với tư cách là người sử dụng tài sản công. Tài sản đặc biệt này có khả năng sinh lợi rất cao, thực tế thời gian qua việc chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích thương mại, dịch vụ là quá nhiều, sai phạm chính là ở chỗ này. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nghiên cứu mở rộng quy định về phạm vi lấy ý kiến của nhân dân để bảo đảm Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình nghiêm túc, minh bạch công khai, khắc phục thực trạng việc lấy ý kiến Nhân dân mang tính hình thức. 

Bảo đảm thu hồi đất dân chủ, khoa học, chặt chẽ và công bằng

Cho ý kiến về Điều 65 dự thảo Luật quy định đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể hơn các trường hợp này, đặc biệt là việc cho phép các dự án thương mại, khu đô thị được áp dụng đấu thầu có sử dụng đất nếu khu đất thực hiện dự án chưa hoàn thành việc bồi thường, tái định cư, thu hồi đất, chế độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu gắn liền với đất của dự án này. Cần chuẩn hóa quy định về giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, tránh xung đột pháp luật, tránh vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Về hoàn thiện quy định thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần hoàn thiện các bước quy trình, thủ tục thu hồi đất trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, khoa học, chặt chẽ, công bằng.

Về các trường hợp nhà nước thu hồi đất ở các Điều 69, 70 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần cụ thể hóa trong luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng lạm dụng. Quy định chi tiết thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định người dân có quyền lựa chọn hình thức nhận bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất cho thống nhất.

Các đại biểu tại phiên họp tổ

Đối với quy định thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động tại khoản 3, Điều 96, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nên cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ cụ thể. Về quyền, nghĩa vụ người sử dụng đất, cần đánh giá kỹ tác động, xác định mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta.

Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế tập thể, gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại Điều 214, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, nhạy cảm, do đó, cần đánh giá kỹ tác động và cần phải lấy ý kiến thêm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể những nơi trực tiếp xuống người dân để quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng không có thiệt thòi cho người dân. 

Về quy định khung giá đất, Nghị quyết số 18 đã đề cập đến việc đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà đất. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể đối tượng nào sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng nào áp dụng mức thuế bình thường; các trường hợp được miễn, giảm thuế; phương án bảo đảm cho người dân thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, như đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng phương án thứ hai khả thi hơn: góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thương mại, nếu không thống nhất góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì nhà nước thu hồi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Điều 70 dự thảo Luật.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đồng tình với ý kiến thứ nhất là mở rộng không quá 15 lần hạn mức, phù hợp với Nghị quyết số 18 của Trung ương và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta.

Về cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tán thành với ý kiến thứ nhất bởi cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp là chủ trương phù hợp trong điều kiện hiện nay để bảo đảm quyền, lợi ích của Nhân dân, hài hòa lợi ích giữa chủ thể trên cơ sở có định hướng hướng dẫn của nhà nước.

Minh Hùng

Các bài viết khác