PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

18/10/2023

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là luật chuyên ngành có tính đặc thù nên cần phải có các chính sách rất đặc thù để góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 9

Toàn cảnh phiên họp.

Sáng 18/10 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9. Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp. Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp. 

Tiếp thu, giải trình đầy đủ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 73 điều, quy định về những quy định chung, quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng, an ninh; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng như: Nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành TW khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành TW khóa XII về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành TW khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bộ Chính trị cũng đã có các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, đại biện Ban soạn thảo báo cáo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, định hướng về xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh còn được đề cập đến trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, gồm: Kết luận số 142-TB/TW ngày 08/8/2013 của Bộ Chính trị về Đề án “Chiến lược phát triển công nghiệp an ninh giai đoạn 2013-2020 và định hướng 2030”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.  

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng ra soát, hoàn thiện dự thảo Luật bám sát các chính sách xây dựng luật, kế thừa và luật hóa tối đã những quy định còn phù hợp; đồng thời bổ sung các quy định của dự thảo Luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với các chính sách khi đề nghị xây dựng Luật…

Cần chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh 

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật; về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; hồ sơ dự án Luật bảo đảm thể chế đầy đủ và cụ thể hóa được các chính sách như trong đề xuất xây dựng của Chính phủ. Về sự phù hợp với quan điểm của Đảng trong đó nhấn mạnh các quan điểm trọng yếu: Công nghiệp quốc phòng, an ninh phải hiện đại, lưỡng dụng, tự lực, tự cường trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia; cơ chế huy động nguồn lực của cả nguồn lực địa phương và nguồn lực xã hội; thu hút đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển công nghiệp cơ bản làm nền tảng cho phát triển công nghiệp quốc phòng; gắn kết công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, công nghiệp quốc gia để tránh trùng lẫn lãng phí; nghiên cứu, tổ chức xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu – Phó Tư lệnh Quân khu 1, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh có tính chất đặc thù cao, gắn với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do đó cần phải có các cơ chế đặc biệt, phù hợp với tính chất của hoạt động này để bảo đảm nhu cầu, cách thức sử dụng đối với các phương tiện, thiết bị, sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh. Các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát các chính sách đặc thù trong dự thảo Luật để đầu tư, phát triển có mũi nhọn, chiều sâu.

Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu – Phó Tư lệnh Quân khu 1, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng đây là đạo luật rất đặc thù, mang tính đặc biệt của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Do đó đại biểu cho rằng các chính sách của Luật cũng cần có tính đặc thù.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị: “Cần rà soát tổng thế các nhiệm vụ, chính sách đặc thù trong dự thảo luật so với pháp luật hiện hành để có quy định chặt chẽ về quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện chứ thực hiện theo Luật Đầu tư công thì sẽ rất lâu, khó đáp ứng được yêu cầu đặt ra”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.

Về nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ; Hồ sơ dự án Luật cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, chi tiết quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Lưu ý đây là luật khó, có tính đặc thù cao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật vừa phải thể hiện được tính cấp bách và tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, cần bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, kế thừa được các quy định của pháp luật đã có, khắc phục được những bất cập, tồn tại nhằm tạo sự phát triển, đột phá để giải quyết được việc tiếp cận với khoa học, công nghệ sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, những chính sách ưu đãi, ưu tiên, đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng và an ninh, phù hợp với pháp luật có liên quan để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh./.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh tham dự phiên họp.

Đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham dự phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc phiên họp.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên họp.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị cần rà soát tổng thế các nhiệm vụ, chính sách đặc thù trong dự thảo luật so với pháp luật hiện hành để có quy định chặt chẽ về quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đảm bảo đúng quy định và chất lượng.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu tại phiên họp.

Đại diện Bộ Tài chính góp ý tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến chỉ đạo.

Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu kết luận phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác