Tham dự Phiên họp còn có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Thường trực của các Ủy ban cùng đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, từ sau phiên họp thứ nhất đến nay, Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện rất nhiều công việc theo đúng Kế hoạch và tiến độ đã đề ra. Trong đó, đã tiếp nhận đầy đủ các báo cáo của Chính phủ, 05/05 Bộ, ngành ở trung ương, 45/45 Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Tổ giúp việc đã tổng hợp nội dung của các báo cáo, xác định những vấn đề nổi lên và xây dựng Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề.
Toàn cảnh Phiên họp thứ hai về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Ngày 24/02/2022, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương đã làm việc với Thường trực Đoàn giám sát để nghe báo cáo sơ bộ về kết quả bước đầu của việc thực hiện giám sát chuyên đề. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Đoàn giám sát đã tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề (Báo cáo số 127/BC-ĐGS ngày 11/3/2022) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn giám sát đã có văn bản đề nghị 10 Bộ, ngành ở trung ương báo cáo bổ sung, cung cấp thêm các thông tin cần thiết liên quan đến nội dung giám sát (gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an và Ủy ban Dân tộc). Đến nay, đã có 03 Bộ có văn bản báo cáo, cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát, gồm các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, Thường trực Đoàn giám sát cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể của thành viên Đoàn giám sát.
Ngày 14/3/2022, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề; dự kiến Kế hoạch khảo sát tại địa phương và việc nghiên cứu, tổng hợp báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo Kết luận (số 786/TB-TTKQH 18/3/2022), giao Đoàn giám sát tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt nhất kết quả giám sát; khẩn trương tiến hành việc khảo sát tại một số địa phương và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để làm rõ thêm những vấn đề thuộc nội dung chuyên đề giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước và việc điều hành phát triển kinh tế xã hội ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Trên cơ sở đó, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát thể hiện đầy đủ, toàn diện cả những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, chỉ ra nguyên nhân của các bất cập, hạn chế, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất những kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030 cũng như việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy.
Đề cập những công việc triển khai trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo kế hoạch, trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ tiến hành một số hoạt động. Theo đó, tổ chức 03 Đoàn công tác đến khảo sát, làm việc trực tiếp với các địa phương, cụ thể: Đoàn công tác số 1 làm việc tại tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Ninh, dự kiến do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn.
Đoàn công tác số 2 làm việc tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa, dự kiến do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn giám sát Thường trực làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác số 3 làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị, dự kiến do đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát làm Trưởng đoàn.
Việc lựa chọn 06 địa phương nêu trên được căn cứ vào các đặc điểm, yếu tố có tính điển hình, đặc thù của các địa phương, như các địa phương đã thực hiện sắp xếp nhiều đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và giảm được nhiều ĐVHC; các địa phương có tiến hành nhập ĐVHC ở nông thôn vào ĐVHC ở đô thị (mở rộng đô thị) hoặc thành lập mới ĐVHC ở đô thị trên cơ sở điều chỉnh ĐVHC; địa phương có nhiều ĐVHC thuộc diện sắp xếp nhưng do có yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, lịch sử, truyền thống nên đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 (06 địa phương này không trùng với kế hoạch khảo sát của 03 Đoàn giám sát chuyên đề đang triển khai).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trao đổi với các thành viên Đoài giám sát.
Dự kiến tại mỗi tỉnh Đoàn công tác sẽ làm việc từ 01 đến 02 ngày; trong đó dành 01 buổi để làm việc với chính quyền cấp tỉnh, 01- 02 buổi làm việc trực tiếp tại cơ sở (có thể là cấp huyện, cấp xã và trong quá trình làm việc, sẽ đề nghị chính quyền mời đại diện Ban công tác Mặt trận, thôn, tổ dân phố và đại diện cử tri... dự họp).
Về thành phần tham gia Đoàn công tác, ngoài một số thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội tại địa phương thì còn có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia và thành viên Tổ giúp việc. Do các địa phương mà Đoàn dự kiến làm việc không có sự liền mạch về vị trí địa lý nên thời gian, lịch trình làm việc cụ thể sẽ do Trưởng Đoàn công tác quyết định trên cơ sở cân đối lịch công tác chung.
Đoàn giám sát tiếp tục yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo bổ một số thông tin liên quan đến nội dung giám sát (nếu cần thiết). Bên cạnh đó, Tổ chức làm việc kỹ với các Bộ, ngành và Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát. sung, làm rõ. Ngoài ra, Đoàn giám sát tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát để xin ý kiến các cơ quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kế hoạch.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 cũng như đề xuất về việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, qua khảo sát ở tỉnh Cao Bằng cho thấy, các xã từ khó khăn chuyển sang xã thuận lợi thì người dân có kiến nghị về vấn đề thụ hưởng chính sách. Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh báo cáo số liệu về chính sách dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục; số liệu học sinh bỏ học, giáo viên chuyển đổi nghề để có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đối với cấp huyện, tỉnh thì yêu cầu báo cáo số liệu về ngân sách. Về công tác cán bộ, có những xã gồm 3 -4 xã sáp nhập lại thì cần có sắp xếp cán bộ hợp lý để giải quyết khối lượng công việc tương đối nhiều. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, việc thụ hưởng chính sách nên mở rộng với cả hộ cận nghèo vì cuộc sống của họ còn khó khăn, chưa thể thoát nghèo ngay được do dịch bệnh Covid-19 tác động lớn tới người dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương bày tỏ quan điểm tại Phiên họp.
Ông Phan Trung Tuấn-Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đánh giá các Báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, toàn diện; đánh giá tương đối đầy đủ, sát thực tiễn theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát. Để hoàn thiện hơn các Báo cáo phục vụ Đoàn Giám sát và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới, đề nghị bổ sung nội dung đánh giá sâu hơn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ví dụ như giải quyết chế độ, chính sách và số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp, một số địa phương khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ, công chức khi đồng thời thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã; thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ (giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo phân loại đơn vị hành chính) và đồng thời nữa là thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã (dôi dư ra 01 công chức xã, Trưởng công an xã) sao cho phù hợp.
Ông Phan Trung Tuấn-Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đóng góp ý kiến.
Ngoài ra, tiêu chuẩn quy mô diện tích tự nhiên, dân số quy định trong Nghị quyết 1211 hiện nay còn cao so với mức bình quân chung cả nước theo vùng, miền, địa phương. Vì vậy, trên cơ sở thực tiễn kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, kết quả giám sát của Đoàn Giám sát, đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh tiêu chuẩn từng loại hình đơn vị hành chính cho phù hợp.
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nêu qua điểm: Cần điều chỉnh công tác quy hoạch cho phù hợp sao cho phù hợp với nguồn lực ngân sách. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng phải phù hợp với Luật Quy hoạch. Các xã sáp nhập với nhau thì cũng cần có quy định trong việc sử dụng tài sản chung như thế nào.
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các Bộ, ngành. Đa số ý kiến tán thành với nhất trí cao với báo cáo hoạt động của Đoàn giám sát từ phiên họp thứ nhất đến nay. Đoàn giám sát sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, đại diện các Bộ ngành và hoàn thiện các tài liệu để gửi các địa phương chuẩn bị trước khi triển khai kế hoạch giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ các báo cáo, kiến nghị, đề xuất của các Bộ ngành Trung ương, các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh. Đoàn giám sát khi đi giám sát ở địa phương phải cố gắng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để nắm tình hình thực tế trước khi đưa ra đề xuất, phương hướng giải quyết các vấn đề. Ngoài ra, đề nghị các thành viên Đoàn giám sát tiếp thục phát huy tinh thần trách nhiệm, hiệu quả, phối hợp tốt với các địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp.
Tổ giúp việc của Đoàn giám sát chủ động xin ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội nhằm đảo đảm các điều kiện cho Đoàn giám sát thực hiện chuyên đề giám sát trên tinh thần hiệu quảm tiết kiệm, chống lãng phí../.