PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ GÓC NHÌN TÀI CHÍNH, KINH TẾ-XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

26/07/2022

Sáng ngày 26/7, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 3 và tiến độ công việc phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gặp mặt các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh khóa 86


​Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 3 và tiến độ công việc phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tham dự cuộc làm việc còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên.

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, căn cứ Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình công tác và Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 3 và tiến độ công việc phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đối với các nội dung do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì. Theo đó, đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, để phục vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì triển khai các công việc liên quan đến 02 nội dung:

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện: Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 623/BC-UBKHCNMT15 ngày 20/5/2022 về thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, gửi đại biểu Quốc hội. Ngày 03/6/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 15/6/2022 Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về nội dung này. Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Báo cáo số 226/BC-CP ngày 14/6/2022 tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp Tổ đối với dự án Luật này. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo dự án Luật (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.

Về việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 624/BC-UBKHCNMT15 ngày 20/5/2022 về thẩm tra Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 05/5/2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn thiện dự thảo nội dung về dự án đường Hồ Chí Minh sau khi có ý kiến của đại biểu Quốc  hội để đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của Thường trực Ủy ban, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khắc phục khó khăn, kịp thời triển khai công việc. Do vậy, cơ bản đã hoàn thành các công việc được giao theo kế hoạch, chương trình đề ra và phân công của lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Đoàn giám sát các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban cũng thực hiện tốt các công việc thường xuyên, công tác đối ngoại, giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri và các công tác khác; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan. Nội dung do Ủy ban chủ trì trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 được đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, rõ ràng về quan điểm.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, đó là: Khối lượng công việc lớn, nhiều văn bản góp ý phải xử lý gấp trong thời gian ngắn, có nội dung chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên ảnh hưởng nhất định đến chất lượng văn bản. Đầu năm 2022, việc tổ chức các đoàn khảo sát, giám sát tại các địa phương bị hạn chế làm ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát và chất lượng báo cáo giám sát.

Đề cập về tiến độ công việc phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, hiện nay, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) để tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về các nội dung còn có ý kiến khác nhau (dự kiến tổ chức tại Tp.Đà Nẵng vào ngày 28/7 và tại Tp.Hồ Chí Minh vào ngày 04/8/2022); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2022 (dự kiến từ 15-19/2022), gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang triển khai Đoàn công tác làm việc tại các địa phương (từ ngày 26/7 đến ngày 06/8) để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật; đồng thời tổ chức tọa đàm về dự án Luật tại Đà Nẵng (ngày 28/7) và Tp.Hồ Chí Minh (ngày 04/8). Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức họp thẩm tra sơ bộ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 (từ ngày 19-22/9/2022); nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra; tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra dự án Luật; chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Trong tháng 7/2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang triển khai Đoàn công tác làm việc tại các địa phương để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật. Trong thời gian tới, dự kiến tổ chức hội thảo tại Quảng Ninh (ngày 01/8/2022), làm việc với các cơ quan về dự án Luật, họp thẩm tra sơ bộ; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 (từ ngày 15-19/8/2022); nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra; tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra dự án Luật; chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Đối với một số nội dung khác liên quan đến kỳ họp thứ 4: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tổ chức thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu năm 2022 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách trong các lĩnh vực này năm 2023. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban đang triển khai việc giám sát để phục vụ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), thẩm tra báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH10 về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), Hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận).

Về tiến độ công việc phục vụ đoàn của Phó Chủ tịch Quốc hội khảo sát biển, đảo, để phục vụ cho việc khảo sát của Phó Chủ tịch Quốc hội đối với một số đảo, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có công văn số 661/UBKHCNMT15 ngày 27/6/2022 gửi UBND các tỉnh (Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Kiên Giang). Theo dự kiến, Thường trực Ủy ban sẽ phối hợp với Văn phòng Quốc hội phục vụ Đoàn của Phó Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đảo Phú Quý (Bình Thuận) vào đầu tháng 8/2022.

Hiện nay, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang chỉ đạo việc xây dựng báo cáo tổng hợp về các nội dung làm việc với UBND tỉnh và hai đảo; chuẩn bị nội dung phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội; phối hợp với Văn phòng Quốc hội về các nội dung khác liên quan đến chuyến đi.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội quan tâm chỉ đạo đối với việc tiếp thu, chỉnh lý (nhất là một số nội dung có ý kiến khác nhau), trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại kỳ họp thứ 4.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 3 và tiến độ công việc phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đa số các đại biểu thống nhất với Báo cáo kết quả kết quả và có đề xuất với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội quan tâm chỉ đạo đối với cho ý kiến vào việc sửa đổi, giám sát các dự án luật một cách chất lượng. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động của Ủy ban được hiệu quả hơn.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại cuộc làm việc.

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự nỗ lực của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tăng cường mối quan hệ, sự hợp tác đối với các Ủy ban, đơn vị khác của Quốc hội, các Bộ ngành cũng như các chuyên gia trong việc xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng các dự án luật , khảo sát, giám sát thực tiễn ở các địa phương. Bởi thực tế cho thấy, khi Ủy ban đưa các vấn đề đúng, trúng và khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, đơn vị thì sẽ nhận được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội và gặt hái được những thành công. Ngoài ra, Ủy ban cần xem xét, chọn lọc các chuyên đề thiết thực để tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến, chỉ đạo điều hành; đánh giá tình hình khoa học công nghệ và các cơ chế thực hiện ở các trường đại học, Viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập; cần có góc nhìn tài chính, kinh tế-xã hội đối với sự phát triển khoa học, công nghệ và môi trường.../.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:


Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.


​Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho ý kiến vào các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, trong đó cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), việc phát triển năng lượng điện, kinh tế số và các lĩnh vực khác cần nguồn lực lớn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải nêu quan điểm: Các Phiên họp chuyên đề cần sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, nêu trúng, đúng vấn đề được xã hội quan tâm.


Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất bổ sung nguồn nhân lực cho Ủy ban, quan tâm tới Đề án đổi mới năng lực của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.


Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Hà Thanh để xuất bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất để Ủy ban thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự nỗ lực của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Các bài viết khác