Sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng: Bảo đảm khách quan, công bằng, tránh làm thất thu ngân sách

29/10/2024

Sáng 29/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

Toàn cảnh phiên họp

Bảo đảm khách quan, công bằng, tránh làm thất thu ngân sách

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, quy định này của Luật hiện hành là không đúng nguyên tắc của thuế GTGT đó là, chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, chính sách này đã phát huy hiệu quả phòng tránh gian lận, hoàn thuế GTGT trong xuất khẩu sản phẩm nông sản chưa chế biến, đặc biệt trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang áp dụng chế độ hoá đơn giấy tự tạo. Hiện nay, chế độ hoá đơn giấy tự tạo đã được xóa bỏ, các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hoá đơn điện tử, có kết nối mạng trực tiếp. Cơ quan thuế có thể liên tục cập nhật các hoá đơn được phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu, nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hoá đơn.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15 “trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”, để bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế GTGT khi thuế đầu vào chưa được nộp vào NSNN. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định". Đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật nội dung: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Về thuế suất 0%, theo thông lệ chung, thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến, tức là hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó. Như vậy, thuế suất 0% chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá thực tế được xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam; ngược lại, bất kể hàng hoá, dịch vụ nào được tiêu dùng tại Việt Nam đều phải chịu thuế GTGT cho dù người mua hàng hoá, dịch vụ đó ở trong hay ngoài Việt Nam. Nguyên tắc này cần được tuân thủ để bảo đảm tính khách quan, công bằng và tránh làm thất thu ngân sách.

Vì vậy, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, quy định rõ trong dự thảo Luật (tại điểm c khoản 1 Điều 9) về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hoá được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.

Giảm áp lực thuế cho hộ kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Phát biểu về đối tượng không chịu thuế tại Điều 5, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại khoản 25, cụ thể là: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu

Theo đại biểu, mức doanh thu không chịu thuế GTGT được quy định tại luật hiện hành là 100 triệu đồng/năm đã không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân đầu người hiện nay thì mức quy định như dự thảo luật cũng chưa thật sự phù hợp, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức này lên trên 200 triệu cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này có thể tạo ra động lực tích cực cho phát triển kinh tế địa phương và Nhà nước có thể tập trung nguồn lực quản lý vào các đối tượng có doanh thu lớn hơn, đảm bảo hiệu quả thu ngân sách. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý thuế mà còn giảm các chi phí xã hội liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cùng các hộ kinh doanh.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ quan tâm về quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại khoản 5 Điều 4. Trước ý kiến cho rằng quy định này sẽ đặt thêm gánh nặng cho các sàn giao dịch điện tử, ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, đại biểu nêu quan điểm rằng quy định này có những điểm hợp lý.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu

Đại biểu cho biết, về mặt kỹ thuật, các nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số có điều kiện thuận lợi nhất trong việc nắm giữ thông tin, dữ liệu về các giao dịch thông qua sàn giao dịch của mình. Thêm vào đó, quy định này đúng là có thể đặt ra những gánh nặng chi phí cho các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ làm giảm chi phí của toàn xã hội trong việc kê khai, nộp thuế, quản lý thuế, đặc biệt là khi có sự kết nối dữ liệu giữa người nộp thuế, sàn giao dịch thương mại điện tử và cơ quan thuế.

Hơn nữa, việc thực hiện theo phương thức này đang là xu thế trong việc phát triển thương mại điện tử ở các nước. Do vậy, đại biểu bày tỏ thống nhất với chính sách này, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần có những quy định cụ thể về lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm phù hợp với việc triển khai kết nối, hoàn thiện các hệ thống thông tin; hỗ trợ các sàn giao dịch điện tử thực hiện trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để quy định rõ việc giảm trừ trách nhiệm cho sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trường hợp họ đã thực hiện đầy đủ các nỗ lực hợp lý để tuân thủ quy định thuế…

Đề xuất miễn thuế nhập khẩu với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Bàn về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với di vật, cổ vật, và bảo vật quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng việc miễn thuế nhập khẩu cho các đối tượng này là cần thiết để khuyến khích hồi hương tài sản văn hóa có giá trị của Việt Nam. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các cổ vật có giá trị để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện nay chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (được quy định tại Điều 5, Khoản 26, Điểm e) mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu nhấn mạnh, việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng vì những người quan tâm, đầu tư cho đối tượng này đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa. Họ mong muốn đưa những giá trị văn hóa đó về với lại quốc gia, dân tộc của mình để xác định chủ quyền văn hóa đối với những sản phẩm, những di vật cổ vật đó, điều đó cần phải khuyến khích.

Đại biểu đề nghị ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước để đưa di vật cổ vật đó hồi hương. Đại biểu lưu ý cần tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng, tác động và ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, nên nhiều nội dung cần thay đổi để phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng về các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều nội dung để hoàn thiện dự án Luật như: việc đáp ứng các mục tiêu về cải cách hệ thống thuế; hàng nông sản, thủy sản qua sơ chế thông thường không phải nộp thuế đầu ra, nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế; thuế suất 0% đối với nhóm hàng cung cấp cho nước ngoài; thuế đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cùng dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu làm rõ một số vấn đề

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận./.

Hồ Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức