Sửa đổi Luật Điện lực: Quy định cụ thể hơn tạo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh

23/08/2024

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Cho ý kiến bước đầu về dự án luật, một số đại biểu cho rằng, cần có các quy định cụ thể hơn nhằm tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng khi tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Cần xem xét quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật Điện lực (sửa đổi)

Chưa luật hóa quy định về hoạt động mua bán điện

Sau gần 20 năm thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã góp phần phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển điện lực ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia. Tuy vậy, giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Tại khoản 2 phần III Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu: “Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực” và “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh”. Để thực hiện yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, điều kiện tiên quyết là phải phân tách các khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh).

Trong khi đó, một số quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng việc triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, như thiếu quy định về hợp đồng kỳ hạn điện, mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; chưa luật hóa quy định về hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng, thanh toán tiền điện, bảo lãnh thanh toán… để đảm bảo sự công khai, thống nhất, nhằm tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài 

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 20 Luật Điện lực hiện hành mới chỉ quy định về hai hình thức mua bán điện trong thị trường điện lực là mua bán trên thị trường điện giao ngay và mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn, mà chưa quy định rõ hợp đồng có thời hạn bao gồm cả hợp đồng kỳ hạn điện – một dịch vụ tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện.

Ngoài ra, về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nêu rõ, Điều 47 Luật Điện lực hiện hành quy định về quyền mua điện trực tiếp từ đơn vị điện lực của khách hàng sử dụng điện lớn, nhưng chưa quy định rõ về hoạt động của cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Vì vậy, để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 tới. Đến thời điểm này, dự án luật đã được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra sơ bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Một trong 6 chính sách mới trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) là: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động điện lực

Cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực; đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp Nguyễn Mạnh Hùng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đổi mới các nội dung quy định tại Luật Điện lực, nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước; bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.

Về nguyên tắc hoạt động của thị trường điện cạnh tranh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại Điều 51 dự thảo Luật đã quy định một số cơ chế cho phép mua bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất và người sử dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế cho phép các đối tượng, tổ chức, cá nhân có quyền mua bán điện trực tiếp trong phạm vi nhất định, để không ảnh hưởng chung đến an toàn chung của mạng lưới điện quốc gia; đồng thời có cơ chế cụ thể hơn nhằm tạo bình đẳng, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Luật Điện lực hiện hành đã có các quy định việc kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với hợp đồng phát điện, hợp động bán buôn điện, tuy nhiên có ý kiến cho rằng, trong trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy điện, hợp đồng mua bán điện sẽ được các bên thỏa thuận ký kết thông qua đấu thầu và khi đó việc quy định kiểm tra hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương là chưa phù hợp. Vì vậy, để đồng bộ trong việc kiểm tra hợp đồng và để phản ánh đúng thực tế trong xây dựng, ban hành khung giá điện, khung giá bán buôn điện, đồng thời phù hợp với giai đoạn phát triển thị trường điện cạnh tranh, cần thiết sửa đổi, bổ sung làm rõ việc ban hành khung giá phát điện trong thời gian vừa qua là khung giá phát điện bình quân của đơn vị phát điện và làm rõ trường hợp các bên ký kết hợp đồng mua bán điện thông qua đấu thầu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba

Nhấn mạnh quy định về thị trường điện cạnh tranh tại Điều 52 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) rất quan trọng, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba cho rằng, các quy định trong dự thảo luật chưa rõ về nội dung. Đại biểu cho biết, khoản 2 Điều 52 dự thảo luật quy định: “Trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu ngành điện, cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện, cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền từng bước hoàn thành để phù hợp với yêu cầu vận hành của các cấp độ thị trường điện cạnh tranh”. Đại biểu đề nghị rà soát lại ngữ pháp, làm rõ nghĩa của quy định này đảm bảo mạch lạc.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 53 của dự thảo luật quy định: Bộ Công thương quy định điều kiện tham gia của các đối tượng tại khoản 1 Điều này (đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, khách hàng sử dụng điện) phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm, quy định như vậy sẽ chồng lấn với quy định về thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về việc tham gia và gia nhập thị trường; quy định này cũng không phù hợp với Luật Đầu tư.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị việc sửa đổi Luật Điện lực cần nhấn mạnh đến sự cần thiết phải kế thừa những nguyên tắc đang được quy định tại Luật Điện lực và tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo hướng giá điện đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực. Bên cạnh đó, bổ sung chính sách giá điện đảm bảo khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh đồng tình với quan điểm thực hiện cơ chế bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng và thực hiện bù chéo giá điện giữa các vùng miền, nhưng cần có lộ trình thực hiện. Theo đại biểu, cần thực hiện nguyên tắc của Luật Giá, trong đó, nếu xác định điện là hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì nên giao Thủ tướng Chính phủ quy định về giá điện, trong đó, Bộ Công thương, Bộ Tài chính là các đơn vị tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành các bảng giá điện để đảm bảo thống nhất.

Lan Hương

Các bài viết khác