THẢO LUẬN TỔ 5: CẦN DUY TRÌ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP, KÍCH THÍCH SẢN XUẤT, KINH DOANH

23/05/2024

Sáng ngày 23/05, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2024…

THẢO LUẬN TỔ 5: XÂY DỰNG LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN VÀ THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Tuy nhiên, trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên…

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã góp phần cho kết quả kinh tế - xã hội đất nước những tháng đầu năm 2024 có những chuyển biến tích cực, khả quan. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% cao hơn cùng kỳ năm trước (3,41%). Các đại biểu cho rằng, đây là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các quý sau của năm 2024.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư tăng cao, đặc biệt là vốn FDI; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 3,77% là năm thứ 9 liên tục kiểm soát được lạm phát. Xuất siêu hàng hóa cao hơn cùng kỳ cả về quy mô và cả tỉ lệ xuất siêu, đạt khoảng 9 tỉ USD. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao, tăng khoảng 75% so cùng kỳ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; an sinh xã hội và phúc lợi công cộng được quan tâm đúng mức và kịp thời. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt được kết quả tích cực, thiết thực…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2023, những tháng đầu năm 2024. Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Nền kinh tế Việt Nam không chỉ trụ được mà còn là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.

Các doanh nghiệp tại các nước trong cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đều đánh giá cao kết quả và triển vọng cả nền kinh tế nước ta.

Cần duy trì các giải pháp thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp, kích thích sản xuất, kinh doanh

Tuy nhiên, cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn, tồn tại. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đang ký thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại…

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đề xuất các giải pháp cho thời gian tới, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp. Bởi đây là những khó khăn vướng mắc nhất mà người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng.

Bên cạnh đó, ban hành kịp thời các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật khi có hiệu lực, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế và đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đối với công tác an sinh xã hội, phúc lợi công cộng, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng thuộc diện chính sách….

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng với những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế và kịp thời, linh hoạt, chủ động hơn trong việc sử dụng các chính sách tài chính, chính sách thuế, tín dụng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, điều tiết cung – cầu hợp lý. Đồng thời tiếp tục duy trì các giải pháp để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, tăng cầu về kinh tế, giảm thuế tiêu dùng, thúc đẩy chính sách tín dụng để tăng cầu sản xuất cho doanh nghiệp…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp để bình ổn giá thông qua chính sách tài khoá; tập trung mở các “nút thắt” để kích thích sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều hàng hoá phục vụ nhu cầu xã hội. Khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu vũng mạnh, trở thành những tập đoàn lớn, những đầu tàu cho nền kinh tế.

Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai... có giải pháp thiết thực để tháo gỡ rào cản tâm lý “sợ trách nhiệm”, để cán bộ các cấp phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm xây dựng, tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương và địa phương 

Đại biểu Đặng Xuân Phong- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Hà Đức Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Trọng Quỳnh