KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV
Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV
Để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 7/3. Theo dự kiến, Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương.
Khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của Hội nghị quan trọng này, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị triển khai hàng năm. Lần thứ nhất sau khi triển khai, các bộ ngành, các cấp địa phương, đại biểu Quốc hội và cử tri rất hưởng ứng, tạo hiệu ứng và chuyển biến trong thực hiện. Tiếp nối thành công của Hội nghị lần thứ nhất, thông qua Hội nghị lần này nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá.
Đồng thời, Hội nghị cũng giúp tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Từ thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV (9/2023), đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, hội nghị cho thấy yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chia sẻ từ thực tiễn tham gia các hoạt động giám sát, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, thời gian qua công tác triển khai, thi hành pháp luật đã có chuyển biến tích cực, đưa lại nhiều kết quả đáng ghi nhận . Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Trong đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện thực sự triệt để; còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các luật, nghị quyết;... Ngoài ra, một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa đa dạng; nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn;…
Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân
Theo đại biểu, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân;... Đồng thời, các bộ, ngành cần thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Xây dựng pháp luật là một trong những công tác rất quan trọng và là một trong 3 khâu đột phá được Đại hội XIII của Đảng xác định, có tác động rất lớn, sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thì công tác triển khai, thực thi pháp luật đóng vai trò tiên quyết.
Tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Quốc hội cùng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Thực hiện được yêu cầu này mới đảm bảo phát huy được giá trị của quy định pháp luật, từ đó hình thành ý thức pháp luật của người dân, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 6/9/2023 là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Theo đó, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh nhất quán, kịp thời, hiệu quả và hiệu lực./.