NĂM 2023 ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH LONG ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC, ĐƯỢC CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN GHI NHẬN, ĐÁNH GIÁ CAO
Tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết thêm, căn cứ chương trình hoạt động năm của Quốc hội, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trên cơ sở thực tế ở địa phương, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chủ trì và phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các dự án Luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp các dự thảo Luật báo cáo về Văn phòng Quốc hội đảm bảo về thời gian theo quy định. Các vị Đại biểu Quốc hội trong đoàn tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức đóng góp ý kiến các dự án luật, Nghị quyết trình Quốc hội.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang
Đối với công tác giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tĩnh Vĩnh Long tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên. Lãnh đạo Đoàn phân công và tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội phối hợp tham gia giám sát các chuyên đề tại địa phương theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các đại biểu Quốc hội tham dự các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Về việc quyết định các vấn đề quan trọng, Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp và cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia các hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội khi đến làm việc tại Tỉnh và các địa phương khác trong cả nước; trước mỗi kỳ họp Quốc hội, định kỳ Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với các Sở, ban ngành của Tỉnh nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội của địa phương và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị đối với Trung ương.
Các đại biểu Quốc hội cũng chủ động, tích cực tham gia các Đoàn công tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội các nước nhằm tạo điều kiện học tập nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử; bên cạnh đó qua các đợt khảo sát giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…, các đại biểu Quốc hội chọn lọc nhiều vấn đề, nội dung bổ ích, thiết thực làm cơ sở để tham gia đóng góp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cùng với đó, năm 2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cũng có kế hoạch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Namtỉnh, tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo địa bàn tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm; tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri một cách đầy đủ, trung thực và kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định; tiếp nhận, phân loại kịp thời xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri và tổ chức giám sát đối với một số vụ việc đã gửi đến các cơ quan thuộc thẩm quyền nhưng chưa có thông báo kết quả xử lý theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc chọn giám sát một số vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị đối với các Bộ, ngành, Trung ương và chính quyền địa phương.
Kiến nghị có quy định cụ thể trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như thời gian nhận được dự thảo của một số dự án luật quá muộn do vậy việc tổ chức các hội nghị tham gia góp ý các dự thảo luật bị chậm tiến độ; một số dự thảo luật góp ý bằng văn bản chất lượng góp ý chưa cao; việc cung cấp tài liệu vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nghiên cứu tham gia của các đại biểu Quốc Hội.
Ý kiến tham gia góp ý một số dự thảo luật của 1 số Sở, ban ngành, địa phương chất lượng góp ý chưa cao; công tác tiếp xúc cử tri chuyên đề đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chú trọng nhưng do thời gian còn hạn chế nên tổ chức cho các đối tượng tham gia công tác tiếp xúc cử chưa nhiều; bộ máy tham mưu giúp việc của đoàn đại biểu Quốc hội khá mỏng so với yêu cầu…
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và điều chỉnh kịp thời so với biến đổi trên thực tế, phát huy được tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo của các cơ quan của Quốc hội, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh phản ánh nhu cầu điều chỉnh pháp luật của mọi tầng lớp, cá nhân trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long làm trưởng đoàn đã giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị Quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long
Về phạm vi giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Quốc hội giám sát những vấn đề mang tính chính sách vĩ mô; hoạt động giám sát phải gắn với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, còn đối với những vấn đề có tính chất cá biệt, cụ thể giám sát đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể cần giao cho các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát.
Tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, đặc biệt trong giám sát phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; các công trình trọng điểm quốc gia; giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Quy định cụ thể trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát nói chung và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để làm cơ sở pháp lý cho việc tiến hành giám sát cũng như có căn cứ đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ Đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội và việc tổ chức bảo đảm để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát. Quy định cụ thể phạm vi giám sát của Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội để tránh chồng lấn với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.
Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng của các quyết định theo hướng thực chất hơn phải khẳng định vai trò quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội, dựa trên những luận cứ, luận chứng khoa học nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra những tác động tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về phạm vi vấn đề kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định, cần thiết quy định rõ “ranh giới” giữa thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ (nhằm bảo đảm phân công, phân nhiệm rõ ràng về phạm vi thẩm quyền; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho hoạt động điều hành của Chính phủ).
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để Đại biểu Quốc hội được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ (kể cả các ý kiến phản biện của các nhà khoa học) để việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đạt hiệu quả cao.